Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cách tiếp cận mới khi xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật phải xác định được những nội dung cốt lõi, có tầm nhìn xa, định hướng dài hạn.
Thực tế cho thấy, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Đường sắt 2017 đã đạt được một số kết quả cụ thể như xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt; thu hút nguồn lực tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý đất dành cho đường sắt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Đường sắt 2017 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế; đồng thời, các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017. Theo đó, nội dung Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi (Dự thảo) gồm 8 Chương, 74 Điều; giảm 2 chương và 11 điều so với Luật Đường sắt 2017.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cách tiếp cận mới khi xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật phải xác định được những nội dung cốt lõi, có tầm nhìn xa, định hướng dài hạn. Góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, những quy định hiện hành quá chi tiết nên khi sửa Luật vô cùng khó khăn, vì vậy Luật Đường sắt (sửa đổi) không nên chi tiết hóa, mà chỉ mang tính nguyên tắc.
"Cần có cách tiếp cận mới khi xây dựng Luật. Luật phải quy định khung và có tầm nhìn xa; không luật hóa các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ và thông tư; không hành chính hóa. Đồng thời, Luật phải tiếp cận được và linh hoạt trong xử lý tình huống thực tế xảy ra khi tổ chức thực hiện", ông Trường nêu quan điểm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo phải xác định được những nội dung cốt lõi, có tính khái quát, tầm nhìn, định hướng 50-100 năm; dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản"; không đưa vào luật những nội dung quá cụ thể, mang tính kỹ thuật. Quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo cần tiếp cận, tham khảo kinh nghiệm về phương thức đầu tư, công nghệ, quản lý từ các quốc gia đã phát triển đường sắt hàng trăm năm cho đến những quốc gia hình thành mạng lưới đường sắt tốc độ cao chỉ trong vài chục năm.
“Luật Đường sắt (sửa đổi) phải có tính kế thừa, học hỏi kinh nghiệm các nước có ngành đường sắt phát triển, thể chế hoá các cơ chế, chính sách giúp công tác xây dựng, vận hành, quản lý hệ thống đường sắt của đất nước phục vụ tốt nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Theo Phó Thủ tướng, Luật Đường sắt (sửa đổi) phải xác định rõ phạm vi, nội hàm, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng từ khâu lập chiến lược, quy hoạch đến xây dựng, vận hành, quản lý hạ tầng, phương tiện, duy tu, bảo dưỡng,… phân định với những vướng mắc chung liên quan đến thu hút đầu tư, cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến vốn, đất đai… đã được quy định, điều chỉnh trong các luật, văn bản pháp luật chuyên ngành.
"Luật cần làm rõ lĩnh vực nào quản lý thống nhất trên phạm vi quốc gia, những vấn đề phân cấp cho địa phương. Bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể của hệ thống đường sắt quốc gia kết nối với quốc tế, kết nối giữa các địa phương cũng như với các phương thức vận tải khác", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng cùng với công cụ quy hoạch, thì cần chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Luật cần có quy định về nguyên tắc đối với phát triển hệ thống hạ tầng đường sắt (hành lang an toàn, ga dừng đỗ, hệ thống phụ trợ kèm theo...), sau đó cụ thể, chi tiết hoá trong các văn bản dưới luật.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị quy định rõ trách nhiệm trong quy hoạch, phát triển hạ tầng, hệ thống thông tin tín hiệu, trách nhiệm của các chủ thể tham gia... và tiếp tục được cụ thể bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời có lực lượng, cơ chế, chính sách để bảo vệ các công trình đường sắt. Về quy định đối với doanh nghiệp quản lý, vận hành, khai thác, kinh doanh, duy tu, bảo trì... phải tính đến đặc thù của lĩnh vực đường sắt; phân biệt về công nghệ, phương thức kết nối giữa đường sắt tốc độ cao với đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dụng; định hướng phát triển công nghiệp đường sắt (công nghệ, đào tạo nhân lực)...