Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy vai trò chủ lực của nhà thầu nội trong siêu dự án đường sắt

Yến Nhung 30/04/2025 11:05

Trước loạt dự án đường sắt quy mô lớn sắp được triển khai, trong đó có tuyến tốc độ cao Bắc - Nam, vai trò của các nhà thầu trong nước đang được đặt ra như một yêu cầu tất yếu.

Trong bối cảnh hệ thống đường sắt quốc gia bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, câu chuyện về vai trò của nhà thầu nội lại một lần nữa được đặt ra một cách nghiêm túc. Thay vì mãi đứng ngoài cuộc hoặc chỉ đảm nhiệm những phần việc nhỏ lẻ, nhà thầu Việt cần được định vị lại trong vai trò chủ lực, đặc biệt là ở các hạng mục phù hợp với năng lực đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước đã từng tham gia thi công các công trình hạ tầng đặc biệt như cầu dây văng, cầu vòm thép, cao tốc quy mô lớn… Việc từng bước làm chủ công nghệ, tài chính và nhân lực sẽ giúp họ đủ điều kiện để “chen chân” vào các dự án đường sắt quy mô lớn, kể cả đường sắt tốc độ cao.

Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)
Nhà thầu Việt cần được định vị lại trong vai trò chủ lực, đặc biệt là ở các hạng mục phù hợp với năng lực đã được kiểm chứng qua thực tiễn - Ảnh: ITN

Đây cũng là định hướng đang được Bộ Xây dựng thúc đẩy. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, trong quá trình xây dựng đề án Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ Xây dựng đã đưa ra cơ chế chính sách để huy động tổng lực sức mạnh nội sinh, làm sao để doanh nghiệp trong nước tham gia được dự án này.

“Bộ sẽ ràng buộc một số điều kiện tiên quyết với các Tổng thầu tham gia Dự án như phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được; đưa ra chính sách trình Quốc hội giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoặc đặt hàng các doanh nghiệp trong nước với các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được. Còn với những gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của tổng thầu, nhà thầu nước ngoài về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn cho việc đầu tư, quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao - Ảnh: ITN
VACC đề nghị cho phép cộng dồn năng lực tài chính của các thành viên trong tổ hợp nhà thầu để đáp ứng được giá trị các gói thầu do Chính phủ quy định - Ảnh: ITN

Nhận định nhiều nhà thầu trong nước hoàn toàn có khả năng thực hiện các gói thầu lớn nếu được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và có tiêu chí lựa chọn phù hợp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, để tạo cơ hội nhiều hơn cho nhà thầu nội, VACC đề nghị bổ sung tiêu chí lựa chọn các nhà thầu đã có kinh nghiệm tham gia các công trình hạ tầng cấp đặc biệt, cấp 1 đảm bảo tiến độ, chất lượng, thay vì phải có kinh nghiệm trong các dự án đường sắt như Luật Đấu thầu quy định. Đồng thời, để các nhà thầu trong nước có đủ năng lực “gánh” được các gói thầu xây lắp quy mô lên tới 2,5 tỷ USD tại Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, cần cho phép cộng dồn năng lực tài chính của các thành viên trong tổ hợp nhà thầu để đáp ứng được giá trị các gói thầu do Chính phủ quy định.

“VACC sẽ trình Thủ tướng Chính phủ danh sách các nhà thầu lớn trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm đối với Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn làm nhân tố chủ chốt trong các tổ hợp nhà thầu có thể đảm đương được công trình trên với các yếu tố vốn, kinh nghiệm thực tế đã thực hiện trong 3 năm gần đây”, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty 319 cho biết, công trình trọng điểm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ khởi công vào năm 2027, riêng về tốc độ 160 km/h đã cần đến sự tư vấn của nhà thầu nước ngoài chứ chưa kể đến là tốc độ cao.

“Đáng nói, tỷ lệ xây dựng đường sắt chỉ chiếm 40% về xây dựng, còn lại tới 60% là về công nghệ nên chắc chắn phải liên danh với nhà thầu nước ngoài. Chính vì vậy, cần có cơ chế đặc thù để nhà thầu trong nước không trở thành thầu phụ ngay tại những công trình trọng điểm tại nước mình, phải làm sao có những cơ chế bình đẳng”, đại diện này đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thúc đẩy vai trò chủ lực của nhà thầu nội trong siêu dự án đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO