Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, TP Đà Nẵng mới đã lên kế hoạch triển khai các giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Trước sáp nhập, TP Đà Nẵng (cũ) đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Chi Cục thống kế Đà Nẵng thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do Đà Nẵng quản lý ước đạt 3.347 tỷ đồng, đạt 38,9% kế hoạch vốn được giao.
Còn với tỉnh Quảng Nam (cũ), đầu tư công có cải thiện đáng kể khi tổng giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 3.130 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 (23,7%).
Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp xuất phát từ các “điểm nghẽn” như giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu, thủ tục đầu tư, vốn ODA,... Ngoài ra, nhiều yếu tố còn nằm ở năng lực và sự vào cuộc thực chất của các đơn vị.
Khi hai địa phương thực hiện sáp nhập từ ngày 1/7, lãnh đạo TP Đà Nẵng (mới) đã xác định rõ các kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố 6 tháng cuối năm 2025, phấn đấu GRDP cả năm tăng từ 10% trở lên. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư công đang triển khai trên địa bàn.
Lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu các ngành, các địa phương theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các dự án chậm tiến độ. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025,...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Đà Nẵng sẽ tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án lớn như dự án Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân; Khu vui chơi giải trí công viên Châu Á; một số phân khu của Khu thương mại tự do….Song song, Đà Nẵng cũng đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện đầu tư tổng thể và quản lý khai thác, vận hành bến cảng Liên Chiểu.
Đặc biệt với các dự án hạ tầng trọng điểm (giao thông, đô thị, công nghiệp công nghệ cao), Đà Nẵng cũng sẽ rà soát, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là về đất đai, môi trường, quy hoạch. Đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, đô thị thông minh và hạ tầng logistics.
Tại buổi là việc với Sở Tài chính mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị sở này phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất; rà soát dự án chậm tiến độ và tập trung giải pháp để tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đặc biệt là những dự án tại Quảng Nam (cũ). Cùng với đó, phải sớm xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 2026 và giai đoạn 2026-2030, kế hoạch thu ngân sách Nhà nước 2026 và giai đoạn 2026-2030.
Cuối buổi làm việc, , ông Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu phải chú trọng đến giải ngân đầu tư công và tiến độ các dự án, công trình trọng điểm nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025. Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài chính đôn đốc tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, động lực như Khu thương mại tự do, Cảng biển Liên Chiểu, Công viên Châu Á, luồng Cửa Lở; dự án Sân bay Chu Lai, các tuyến đường Quốc lộ 14D và 14B và khơi thông sông Trường Giang và Cổ Cò,...
Trong đó, nhấn mạnh về giải ngân phải giao tiến độ cho từng dự án, từng chủ đầu tư, theo dõi tiến độ gắn với trách nhiệm. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ “tính KPI”, cụ thể sau 6 tháng hay 1 năm sẽ phân loại, đánh giá dựa trên phần mềm chứ không phải cảm quan, ai không đảm bảo thì thay thế.