Kinh tế

Giải ngân vốn đầu tư công: Mạnh tay xử lý bộ, ngành chậm trễ

Nguyễn Thu Hà 13/05/2025 03:33

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch; đồng thời, xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ giải ngân thực tế tính đến hết tháng 4/2025 chỉ đạt 15,56% - thấp hơn cùng kỳ năm 2024.

dautucong.jpg
Nghệ An đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Ảnh: Hồng Quang

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 15/3/2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 93,69%. Đến hết tháng 4, tỷ lệ phân bổ đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy nhiên vẫn còn 8.263 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Trong khi đó, tổng số vốn đã giải ngân mới đạt 128.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,56% kế hoạch. Đáng chú ý, có đến 24 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm chủ yếu xuất phát từ những bất cập trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, như việc sắp xếp lại bộ máy, hay có dự án đã hoàn tất khâu chuẩn bị nhưng khi kiểm tra lại phát hiện không còn hiệu quả, buộc phải dừng triển khai. Ngoài ra, việc một số địa phương chưa phân bổ được nguồn thu ngân sách cũng tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% kế hoạch. Biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ nhằm xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ, giải ngân, cũng như điều chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án giải ngân tốt hơn. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến vành đai Hà Nội, TP.HCM cũng đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm tạo động lực cho nền kinh tế.

Tại phiên họp tháng 4/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các địa phương chậm giải ngân phải giải trình rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý nghiêm nếu do chủ quan. Với TP. Hà Nội - địa phương được giao vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 14,5%, Phó Thủ tướng đã yêu cầu tăng cường nỗ lực, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vấn đề đã được chỉ đạo nhiều lần.

Đầu tư công không chỉ là nguồn lực tài chính quan trọng để phát triển hạ tầng, mà còn tạo sức lan tỏa, dẫn dắt đầu tư tư nhân, từ đó kích thích các nguồn lực kinh tế khác tham gia vào quá trình phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều thách thức như suy giảm tăng trưởng, xung đột thương mại và lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu để giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu nhiều biến động khó lường, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được coi là nhiệm vụ cấp bách và chiến lược. Điều này không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là khi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được đặt ra ở mức trên 8%.

Việc nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân là điều cần thiết. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần chủ động dự báo những khó khăn, thách thức có thể phát sinh để có các giải pháp ứng phó kịp thời. Trong quá trình triển khai, không thể tránh khỏi phát sinh những vướng mắc, nhưng điều quan trọng là cần xử lý nhanh, không để tình trạng kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp đã được đề ra, kỳ vọng rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2025 sẽ có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, không thể chỉ dựa vào các chỉ thị từ trung ương mà cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương, cùng với sự đồng thuận, trách nhiệm từ từng cán bộ liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải ngân vốn đầu tư công: Mạnh tay xử lý bộ, ngành chậm trễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO