Đầu tư công được chính quyền tỉnh Nghệ An đánh giá là một trong những mũi nhọn giúp địa phương hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Do vậy, mặc dù đang đứng trước áp lực tổ chức lại bộ máy hành chính cấp cơ sở, nhưng Nghệ An vẫn đang nỗ lực hết sức tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Qua đó, tạo ra hiệu ứng lan toả mạnh mẽ, kích hoạt các thành phần kinh tế khác tăng trưởng.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm, báo cáo đối với tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến ngày 20/4/2025, tổng kế hoạch đầu tư công mà địa phương này đã giải ngân đạt 1.835 tỷ đồng, đạt 18,35%; ước đến ngày 30/4/2025 giải ngân 2.212 tỷ đồng, đạt 22,12%.
Theo đánh giá, Nghệ An là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ ước giải ngân bình quân chung của cả nước đến ngày 30/4/2025 (15,56%). Tuy nhiên, trên thực tế thì tỉnh này vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, với trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.
Lấy ví dụ đơn cử như tại dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, với tổng chiều dài tuyến khoảng 10,69 km. Hiện nay, dự án đầu tư công này đang gặp một số vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, dự án đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả tiền và giải phóng mặt bằng được 4,0/10,69km, còn lại 6,69km đang được UBND huyện Nam Đàn triển khai thực hiện.
Theo đại diện Ban quản lý dự án 85 – đơn vị chủ đầu tư, khó khăn hiện nay là các tiểu dự án di dời hạ tầng phục vụ giải phóng mặt bằng như: Điện chiếu sáng, điện trung hạ thế, cây xanh, đường nước sinh hoạt liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ quản lý làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trong khi đó, phía lãnh đạo UBND huyện Nam Đàn lại cho biết, việc xác định đất ở, đất vườn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cũng đang gặp những vướng mắc nhất định.
Tương tự, tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến Cửa Lò, tỉnh Nghệ An là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 4.651 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp chiếm 3.202 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 933,6 tỷ đồng và chi phí khác hơn 515 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Hiện, dự án này còn 0,37 km vướng mắc đã kéo theo một số hạng mục công trình bị đình trệ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp xử lý triệt để.
Trước yêu cầu đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng, mới đây ông Hoàng Phú Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu các địa phương và chủ đầu tư tập trung hoàn thành các công việc tại hiện trường, đồng thời hoàn tất hồ sơ theo quy định nhằm kịp thời nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng trước thời hạn ngày 30/6/2025.
Đối với các dự án đang thi công nhưng hợp đồng vượt qua mốc thời gian nêu trên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiến hành rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, đảm bảo dừng thi công tại các điểm hợp lý về mặt kỹ thuật. Đồng thời, cần xác định rõ khối lượng công việc đã thực hiện, phần còn lại, tổ chức nghiệm thu phần đã hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng trình tự pháp luật…
Giữ vững niềm tin tăng trưởng
Ngay từ đầu năm 2025, chính quyền tỉnh Nghệ An kỳ vọng đầu tư công sẽ là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Do vậy, mặc dù đang đứng trước áp lực tổ chức lại bộ máy hành chính cùng những biến động đến từ nền kinh tế toàn cầu nhưng địa phương này vẫn giữ vững mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10,5% và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để duy trì đà phát triển.
“Các dự án đầu tư sẽ tác động tích cực đến ngành xây dựng và dịch vụ, tiêu dùng khi triển khai thi công xây dựng. Các hoạt động xây dựng, lắp đặt hạ tầng sẽ thúc đẩy nhu cầu lao động, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải và các ngành liên quan, từ đó góp phần đưa Nghệ An đến gần hơn với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong năm 2025”, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay.
Điểm đáng chú ý, nhìn lại năm 2024, bài học vẫn còn nguyên giá trị khi tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu từ 95% trở lên, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tập trung của toàn tỉnh chỉ đạt 91,37% so với kế hoạch Thủ tướng giao và 84,31% so với tổng kế hoạch được phân bổ. Công tác lập hồ sơ, giải phóng mặt bằng chậm, năng lực thi công yếu, sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các đơn vị... đã được chỉ rõ là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chậm trễ.
Do vậy, nhằm giữ vững mạch chảy vốn đầu tư công trong giai đoạn chuyển giao bộ máy hành chính, UBND tỉnh Nghệ An mới đây đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, làm việc với các chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các dự án giải ngân chậm, kế hoạch vốn lớn.
Ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Mục tiêu tăng trưởng là rất cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kịch bản tăng trưởng các quý còn lại, tham mưu các giải pháp quản lý nguồn thu, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, giải ngân đầu tư công. Phối hợp cùng các đơn vị chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm các cơ quan, đơn vị hoạt động thông suốt, hiệu quả sau sắp xếp...
Được biết, riêng trong quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn Nghệ An (GRDP) ước đạt 8%, thấp hơn mức cần thiết để đảm bảo mục tiêu bình quân năm 2025. Tuy nhiên, tỉnh xác định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà tập trung tăng tốc trong các quý sau.
Sở Tài chính đã phối hợp với Chi cục Thống kê tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 10,5%. Trong đó: Tăng trưởng quý II là 10,25%, quý III là 11,18%, quý IV là 12%. Trung bình mỗi quý tăng hơn khoảng 0,23% so với kịch bản ban đầu.