Nghiên cứu - Trao đổi

Thủ tục hợp quy: Gánh nặng cần xóa bỏ

Gia Linh 11/05/2025 11:15

Thủ tục công bố hợp quy đang bị coi là “rào cản kỹ thuật” khiến doanh nghiệp tốn kém, chậm xuất khẩu, đi ngược tinh thần cải cách của Nghị quyết 68…

Không phải hàng rào thuế quan, không phải điều kiện đầu tư khắt khe, mà chính một thủ tục kỹ thuật – công bố hợp quy đang bị lên án là lực cản dai dẳng khiến doanh nghiệp khó thở.

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh được thông thoáng hơn theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, thì chính sách quản lý chất lượng sản phẩm lại xuất hiện những “nút thắt” không còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một thủ tục – nhiều hệ lụy

thu-tuc-hop-quy-ganh-nang-can-xua-bo-1.png
Không phải hàng rào thuế quan, không phải điều kiện đầu tư khắt khe, mà chính một thủ tục kỹ thuật – công bố hợp quy đang bị lên án là lực cản dai dẳng khiến doanh nghiệp khó thở.. Ảnh minh hoạ

Tại phiên thảo luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra rằng: quy định về công bố hợp quy đang trở thành gánh nặng không đáng có cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, nhiều quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn thủ tục này để giảm chi phí tuân thủ, thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh. “Việt Nam nếu tiếp tục duy trì công bố hợp quy trong khi nhiều nước đã loại bỏ, sẽ dễ bị xem là áp dụng hàng rào phi thuế quan không phù hợp với cam kết quốc tế”, bà Kim Bé cảnh báo.

Thực tế cho thấy, quy trình công bố hợp quy không chỉ làm tăng thời gian đưa sản phẩm ra thị trường mà còn phát sinh thêm chi phí kiểm định, công bố, công chứng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là ngành thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thiết bị điện phản ánh rằng họ phải làm lại hồ sơ hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, mỗi khi có sự thay đổi nhỏ trong nguyên liệu hoặc thiết kế bao bì. Đây không chỉ là thủ tục lặp lại, mà là vòng luẩn quẩn tiêu tốn tài lực, nhân lực và cả cơ hội thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến, bổ sung quy định cho phép không phải công bố hợp quy trong một số trường hợp cụ thể, và chấp nhận kết quả đánh giá từ các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn cho rằng cần bãi bỏ hoàn toàn thay vì sửa chữa từng phần.

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu còn bày tỏ lo ngại về “tư duy nhiệm kỳ” trong thiết kế luật. Một khi thủ tục tồn tại chủ yếu để duy trì bộ máy kiểm tra – công bố – xác nhận, thì khả năng cải cách thực sự là rất hạn chế.

“Chúng ta đang nói nhiều về môi trường kinh doanh, nhưng lại để doanh nghiệp chịu cảnh ‘bẫy giấy tờ’. Điều này không chỉ mâu thuẫn với chính sách mà còn làm mất đi sự minh bạch và niềm tin”, một đại biểu nhận xét.

Theo luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật Hà Việt, về mặt nguyên lý pháp luật, nhà nước chỉ nên can thiệp bằng các tiêu chuẩn đầu vào rõ ràng, chứ không nên áp đặt các thủ tục trung gian gây chồng chéo. “Công bố hợp quy từng là công cụ kiểm soát chất lượng khi Việt Nam chưa có hệ thống quản lý hiệu quả. Nhưng hiện nay, nếu chúng ta tiếp tục duy trì mà không rà soát, sẽ tạo thành rào cản kỹ thuật mang tính hình thức, không nâng cao chất lượng mà chỉ tạo gánh nặng pháp lý”, ông Luân phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhiều lần lên tiếng về “chi phí không chính thức” núp bóng các quy trình kiểm định, công bố, chứng nhận. Nếu cải cách thể chế mà vẫn để những quy định như công bố hợp quy làm khê đọng thị trường, thì doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên, cũng không thể hội nhập thực chất.

Một phép thử cho tinh thần cải cách

Điều đáng nói, chính Nghị quyết 68-NQ/TW về đổi mới thể chế và nâng cao hiệu lực pháp luật trong phát triển kinh tế tư nhân đã chỉ rõ: cần xóa bỏ những quy định không cần thiết, kiểm soát tốt chi phí tuân thủ pháp luật và tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Vậy nhưng, thủ tục công bố hợp quy dường như vẫn là “vùng cản trở đặc biệt” mà chưa được tháo gỡ triệt để trong các lần sửa luật.

Không khó để nhận ra, công bố hợp quy đang là một phép thử cụ thể cho quyết tâm thực thi Nghị quyết 68. Nếu thật sự muốn “cởi trói” cho doanh nghiệp, không chỉ là việc giảm bớt giấy tờ mà là chấp nhận thay đổi tư duy quản lý từ kiểm soát sang kiến tạo.

Cải cách thể chế không nên dừng ở khẩu hiệu, cũng không thể trông chờ vào những chỉnh sửa lẻ tẻ. Loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp như công bố hợp quy không chỉ là yêu cầu từ cộng đồng doanh nghiệp mà còn là tín hiệu chứng minh chúng ta nghiêm túc với lời hứa cải cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tục hợp quy: Gánh nặng cần xóa bỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO