Nghị quyết 68 xác lập vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những thay đổi thực chất hơn trong cách thực thi chính sách.
Hơn bảy năm sau Nghị quyết số 10-NQ/TW (Nghị quyết 10), khu vực kinh tế tư nhân một lần nữa được Bộ Chính trị đặt ở vị trí trung tâm trong Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) vừa được ban hành ngày 4/5/2025. Văn kiện được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới, nơi khu vực tư nhân không chỉ được thừa nhận về vai trò mà còn được tạo điều kiện bứt phá trong thực tế.
Nghị quyết 68 không chỉ tiếp nối tinh thần cải cách của Nghị quyết 10, mà còn cho thấy bước tiến rõ rệt trong tư duy phát triển. Lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân, một thay đổi mang tính chiến lược, không chỉ về ngôn từ mà còn thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức ở cấp cao nhất.
Chia sẻ với báo chí, luật sư Nguyễn Hồng Chung – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Chủ tịch hệ sinh thái DVL Ventures cho biết: “Việc khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Nó đặt ra yêu cầu phải thay đổi tư duy lãnh đạo, quản trị và cả cơ chế thực thi để đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất hơn”.
Ông Chung đánh giá cao việc Nghị quyết 68 thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong thể chế, tư duy điều hành và rào cản pháp lý đã tồn tại trong thời gian dài. Theo ông, muốn chính sách không bị “treo trên giấy”, cần thiết lập cơ chế cam kết thực thi rõ ràng ở cấp địa phương, nơi doanh nghiệp tiếp xúc nhiều nhất với chính quyền.
Không thể phủ nhận sự chuyển biến trong môi trường đầu tư thời gian qua, nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn đối mặt với những rào cản cố hữu: khó tiếp cận đất đai, thiếu nguồn vốn ưu đãi, ít cơ hội tham gia dự án đầu tư công. Tình trạng phân biệt trong chính sách giữa doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước hay FDI vẫn hiện hữu dưới nhiều hình thức.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch Công ty Heaway Việt Nam cho rằng: “Nghị quyết 68 được ban hành đúng lúc, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là khâu thực thi. Nếu không cải cách triệt để bộ máy trung gian, nơi nhiều quy định bị cắt khúc và thậm chí bị vận dụng tùy tiện, thì khu vực tư nhân vẫn khó bật lên được”.
Ông Phương cảnh báo rằng, trong khi văn kiện trung ương đã rõ ràng, nếu việc thực hiện ở cấp tỉnh, cấp ngành lại thiếu nhất quán, sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái vừa kỳ vọng, vừa dè chừng. Theo ông Phương, điều mà doanh nhân cần nhất lúc này là một hệ thống pháp lý ổn định, minh bạch, và quan trọng hơn cả là sự công bằng thực chất trong cơ hội phát triển.
Cũng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều ý kiến nhận định muốn dám nghĩ lớn, làm lớn, doanh nhân cần thấy rõ cam kết hành động từ phía Nhà nước. Không phải bằng những lời khẳng định chung chung, mà bằng các cải cách cụ thể như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cải tiến quản lý đất đai, mở rộng tiếp cận tín dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc.
Nghị quyết 68 sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu được chuyển hóa thành những thay đổi thực tế, được cảm nhận rõ ràng trong hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Đó không chỉ là câu chuyện thể chế, mà còn là câu chuyện về niềm tin, rằng chính sách không ngáng trở, mà thực sự mở đường cho khu vực tư nhân phát triển.