Nghiên cứu - Trao đổi

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực cho phát triển công nghiệp văn hóa

Yến Nhung 31/03/2025 04:00

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu được định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, kinh tế tư nhân sẽ là động lực chiến lược để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vững mạnh.

Thực tế cho thấy, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Mục tiêu tổng quát của "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045" là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế... Trong đó, hướng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia.

concert-hn-1.jpg
Việc hàng chục nghìn khán giả tham gia các concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi đã mang lại nhiều giá trị vô hình cho đất nước, chứ không chỉ về mặt kinh tế - Ảnh: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế đặc biệt, kết hợp giữa sáng tạo nghệ thuật và giá trị thương mại, đòi hỏi sự linh hoạt, đổi mới không ngừng để thích ứng với xu hướng thị trường và thị hiếu của công chúng, chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu trên, cần tiếp tục khơi thông đầu tư của khối tư nhân, doanh nghiệp tư nhân cần được xác định là chủ thể trung tâm trong sự phát triển của ngành này.

Quan tâm đến vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc cho rằng, kinh tế tư nhân không chỉ cần được nhìn nhận là nhà đầu tư, mà cần được xem là người đồng kiến tạo tương lai văn hóa Việt Nam. Họ có khát vọng, có tiềm lực, có tinh thần đổi mới, cần sự tin tưởng và sự đồng hành từ thể chế.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, kinh tế tư nhân đã xuất hiện như một lực lượng năng động, nhanh nhạy và sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Với khả năng huy động vốn linh hoạt, với tư duy thị trường, với tinh thần đổi mới liên tục, các doanh nghiệp tư nhân đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của nhiều lĩnh vực văn hóa – từ điện ảnh, âm nhạc, thời trang, truyền thông đến xuất bản và nghệ thuật biểu diễn.

“Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển văn hóa càng trở nên nổi bật và cần thiết hơn bao giờ hết. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm và mở đường; là lực lượng tiên phong đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng những bước đi táo bạo, sáng tạo và linh hoạt”, ông Sơn chia sẻ.

80881_1c9dcb36de6bff22ff9e72c05b6e0ab7.jpg
Nếu được định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, kinh tế tư nhân sẽ là động lực chiến lược để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vững mạnh - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực chiến lược cho phát triển văn hóa, cần có một hệ sinh thái thuận lợi gồm chính sách ưu đãi rõ ràng, hành lang pháp lý minh bạch, cơ chế khuyến khích đổi mới và sự đồng hành chặt chẽ từ Nhà nước. Cần thay đổi tư duy từ "xin-cho" sang "hợp tác cùng phát triển," từ "hành chính hóa" sang "tạo điều kiện và hỗ trợ".

Đồng tình với quan điểm cần có định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, TS Trần Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, kinh doanh văn hóa có rủi ro cao, do vậy, bất cứ Nhà nước nào cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khi tham gia lĩnh vực này.

“Chẳng hạn như, từ năm 2005, Trung Quốc đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm cho các doanh nghiệp hình thành từ các đơn vị văn hóa mang tính kinh doanh và các doanh nghiệp văn hóa mới ra đời. Các nước phát triển đều cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư, bảo trợ”, TS Trần Thị Thủy nhấn mạnh.

Dẫn chứng thực tế về việc hàng chục nghìn khán giả tham gia các concert "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Anh trai say hi" đã mang lại nhiều giá trị vô hình cho đất nước, chứ không chỉ về mặt kinh tế, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định, để công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới phát triển, cần thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp văn hóa...

"Tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho văn hóa là điều cần thiết để phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này", chuyên gia này nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực cho phát triển công nghiệp văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO