Mặc dù đã có bước tiến đáng kể trong những năm qua, tuy nhiên, theo chuyên gia, để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, cần thiết lập và phát triển cơ chế thị trường hoàn chỉnh...
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được đề cập qua nhiều văn kiện của Đảng. Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Việc ban hành Chiến lược này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa.
Thực tế cho thấy, trải qua 8 năm triển khai Chiến lược, công nghiệp văn hóa đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng phải có tầm cao hơn.
Tại Dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đang được xây dựng, hoàn thiện cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động và trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.
Nhìn nhận về định hướng, mục tiêu đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong đầu tư và tài trợ cho văn hóa. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, mức đầu tư cho văn hóa vẫn còn khiêm tốn. Nguồn lực tài chính chủ yếu vẫn đến từ ngân sách Nhà nước; sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội còn hạn chế. Vì vậy, để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa, cần thiết lập và phát triển cơ chế thị trường hoàn chỉnh.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa thiếu đồng bộ, dẫn đến khai thác nguồn lực không hiệu quả. Những nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn về vấn đề này thời gian qua cũng còn những bỏ ngỏ.
Trong khi đó, tham gia góp ý phát triển công nghiệp văn hóa, Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh - nhà sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của Lên Ngàn cho rằng, cần thiết lập và phát triển cơ chế thị trường hoàn chỉnh cho công nghiệp văn hóa, và hệ thống chính sách khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi hơn, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Bên cạnh đó, cần hệ thống công cụ bảo hộ quyền lợi và sở hữu trí tuệ cho người làm sáng tạo.
“Hệ thống văn bản pháp lý rất cần nhưng chưa đủ. Cái chúng ta cần là chính sách và bộ máy đứng về phía người làm sáng tạo, chọn bảo hộ sở hữu trí tuệ của người Việt Nam làm trọng tâm”, vị này bày tỏ.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, nhìn về văn hóa thì phải nhìn về sự bền vững, đầu tư lâu dài, có hệ thống để từ đó tạo ra được những giá trị, căn cốt từ sự đầu tư của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Cần triển khai một cách bài bản, quyết liệt, tạo cơ chế đầu tư và tài trợ để văn hóa trở thành một mũi nhọn của phát triển.
Không chỉ có vậy, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa nhưng dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ, đặc biệt là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan. Do vậy, cần xây dựng được chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư, từ đó tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Được biết, liên quan đến vấn đề này, mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư - Tô Lâm yêu cầu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa giá trị, phát huy tiềm năng và bản sắc dân tộc. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để nâng cao đời sống tinh thần, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập quốc tế.