Dù có nhiều tiềm năng phát triển song ngành công nghiệp văn hóa đến nay vẫn chưa được “đánh thức”.
Cần khai thác triệt để tiềm năng
Thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, tuy nhiên theo đánh giá thì vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. Thực tế, đến nay phát triển công nghiệp văn hóa vẫn phải đối mặt với những hạn chế, thách thức như cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, nội dung, sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực,...
Từ đó, ngành công nghiệp văn hóa như vẫn còn “ngủ đông” dù tài nguyên văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, dồi dào. Việc này khiến các ngành kinh tế liên quan khó phối hợp, khai thác để các ngành cùng “bắt tay” phát triển.
Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa cần được đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, cùng với thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật… Theo ông Siêu, văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và du lịch là phương thức hữu hiệu để khai thác giá trị kinh tế của văn hóa.
Vị này cũng cho rằng các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Song song với đó, sự phát triển của công nghiệp văn hóa đồng thời là phương thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đất nước với nền văn hiến lâu đời; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng.
“Điển hình là ngành du lịch văn hóa trong bối cảnh ngành du lịch đang được quan tâm và có các chính sách, chiến lược đẩy mạnh sự phát triển của ngành mũi nhọn, với những đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước và trải nghiệm. Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa còn gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế”, ông Siêu nhìn nhận.
Về nguồn tài nguyên, ông Siêu cho biết cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 7.966 lễ hội, 34 vườn quốc gia và gần trên 1.000 hang động, công viên địa chất... Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương nơi có di sản, mang lại cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Cần có thêm cơ chế hỗ trợ
Là một địa phương có thế mạnh về du lịch ở miền Trung, bà Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho hay địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Cụ thể, một số di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Vị này cho biết, những năm qua, ngành văn hóa đã bước đầu quan tâm định hướng phát huy hệ thống di tích, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch. Bên cạnh các bảo tàng chuyên biệt, các di tích danh thắng, góp phần hình thành các khu điểm du lịch trọng điểm đóng góp lớn vào thu hút khác, Đà Nẵng đã hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các nghề truyền thống,...
“Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế. Các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa có quy mô lớn và chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Đầu tư ngân sách công cho các ngành công nghiệp văn hoá đã có sự gia tăng, tuy nhiên còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội và hưởng thụ của người dân. Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng và chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chính sách đãi ngộ đối với người làm văn hóa, nghệ thuật chưa được quan tâm có tính đột phá để có thể thu hút nguồn nhân lực sáng tạo văn hoá và nghệ thuật tới hoạt động tại địa phương”, bà An thông tin.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp ông Phạm Minh Toàn - Tổng Giám đốc Công ty VietFest kiến nghị phương án các bộ, ngành liên quan cần xác định được các ngành mũi nhọn cho quốc gia và từng địa phương dựa trên thế mạnh nội tại và xu hướng quốc tế, tránh đầu tư dàn trải và phong trào hoặc chỉ phục vụ cho một số mục tiêu hoặc thị trường nhỏ. Đồng vị, vị này cũng đề xuất phuwogn án xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và cơ chế bảo trợ cho các doanh nghiệp và nhà sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa.
“Có thể thành lập các tổ hợp/ khu công nghiệp sáng tạo và các vườn ươm khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm văn hóa kỹ thuật số và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích các nhà sáng tạo. Đồng thời, xuất khẩu sản phẩm văn hóa bằng xuất khẩu phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ ra thế giới, qua đó tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa quốc tế”, ông Toàn đề xuất.
Một phương án đặc biệt, vị này cho rằng cần đưa lĩnh vực văn hoá vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Cụ thể, thúc đẩy hợp tác công tư trong việc tổ chức các lễ hội lớn và các dự án văn hóa sáng tạo, trong đó Chính phủ có thể đóng vai trò hỗ trợ về mặt chính sách, cơ sở vật chất và tài chính, trong khi khu vực tư nhân đảm nhận việc triển khai và quản lý.
Cùng với đó, cần có chiến lược lựa chọn và đầu tư cho 1 số địa phương có lễ hội văn hoá tiêu biểu của Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn thu hút du khách quốc tế. Song song là sớm thành lập Quỹ bảo tồn Di sản văn hoá để có ngân sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển các giá trị di sản quốc gia và tạo ra các tour du lịch văn hóa kết hợp với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống và di tích lịch sử,...
Để phát triển du lịch văn hóa, thúc đẩy công nghiệp văn hóa, ông Hà Văn Siêu cho rằng trước hết cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia, nhấn mạnh bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng và địa phương để tạo nên một hình ảnh độc đáo, cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cân bằng giữa khai thác du lịch và bảo vệ di sản, sẽ góp phần duy trì tính bền vững cho ngành.
Cùng với đó, các địa phương cần tập trung thát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm di sản và văn hóa cũng cần được đầu tư để tạo điều kiện thuận tiện cho du khách. Việc phối hợp với các ngành như điện ảnh, nhiếp ảnh và quảng cáo trong quảng bá văn hóa, cùng với liên kết phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, sẽ mở rộng mạng lưới và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Việt Nam.
“Khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa, góp phần quảng bá sâu rộng giá trị văn hóa của đất nước. Những giải pháp này nhằm tạo động lực để ngành du lịch văn hóa phát triển bền vững, thu hút du khách quốc tế và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Siêu kiến nghị.