Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần xây dựng rõ cơ chế hợp tác công - tư

Gia Nguyễn 21/12/2024 04:30

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo Chiến lược được đề xuất, chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ giải pháp, trong đó có việc xây dựng rõ cơ chế hợp tác công – tư…

Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang phối hợp các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng phê duyệt ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Dự thảo Chiến lược gồm 2 Điều, 5 quan điểm, 7 mục tiêu chung, 10 mục tiêu cụ thể, 6 định hướng phát triển, 5 ngành CNVH trọng tâm gắn với giải pháp phát triển, tổ chức thực hiện trong từng giai đoạn.

phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-20.12.1.jpeg
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang phối hợp các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng phê duyệt ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động, trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.

Trong đó, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển theo một số định hướng: Chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; gắn với hội nhập quốc tế, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền… góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa chất lượng cao và mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hình thành các doanh nghiệp lớn, tạo ra hệ sinh thái liên kết mang tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp, đồng bộ giữa sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu dùng. Từng bước xây dựng các trung tâm phân phối sản phẩm công nghiệp văn hóa tại thị trường trong nước và đẩy mạnh tham gia thị trường quốc tế…

phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-20.12.2.jpg
Chuyên gia cho rằng, muốn phát triển công nghiệp văn hóa, cần đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc xây dựng rõ cơ chế hợp tác công – tư - Ảnh minh họa: ITN

Trước các mục tiêu Dự thảo Chiến lược đã đề ra, chuyên gia cho rằng, muốn phát triển công nghiệp văn hóa, cần đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc xây dựng rõ cơ chế hợp tác công – tư…

Tham gia góp ý Dự thảo Chiến lược, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn thiếu tính biểu tượng, tập trung và cơ chế.

“Nói đến công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc, người ta chỉ dùng một chữ Hallyu (làn sóng Hàn Quốc còn gọi là Hàn lưu). Còn với Nhật Bản có anime là phim hoạt hình, mangga là truyện tranh, với điện ảnh Mỹ là Hollywood, sân khấu Mỹ là broadway. Để đạt được biểu tượng này, các nước đã có mấy chục năm để hình thành, xây dựng, và chúng ta cũng cần tìm ra biểu tượng cho công nghiệp văn hóa”, TS Ngô Phương Lan chia sẻ.

Theo TS Ngô Phương Lan, về yếu tố tập trung, chúng ta chưa chọn được trọng điểm để thực hiện. Ví dụ như nguồn nhân lực, nếu đầu tư cho nhân lực cũng phải là nhân lực đỉnh cao chứ không phải là đầu tư dàn trải. Hàn Quốc người ta có công nghệ ngôi sao, khi đó người ta đầu tư học tập từ bé, xây dựng thần tượng dựa trên bản sắc văn hóa và phẩm chất văn hóa.

Đặc biệt, vị chuyên gia này cho hay, cơ chế là yếu tố quan trọng, cần xây dựng rõ cơ chế hợp tác công - tư. Bởi, nếu không có hợp tác công - tư không thể làm công nghiệp văn hóa.

Còn theo PGS TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Dự thảo Chiến lược cần lựa chọn khu vực phát triển công nghiệp văn hóa sát với thực tiễn thực hiện ở các địa phương. Đồng thời, cần định hình trung tâm dữ liệu để phát triển công nghiệp văn hóa có bước đi vững vàng hơn.

Với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đầu tầu thực hiện công nghiệp văn hóa, hai thành phố là động lực để các địa phương trên cả nước tìm được mô hình phát triển.

Vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội cần có báo cáo đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô vào % GDP, để thúc đẩy được con số của cả nước. Bên cạnh đó, bước đi trọng điểm căn cơ trong xây dựng Chiến lược là phải có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan...

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, giữa khu vực công và tư hiện nay chưa thực sự đồng bộ, hệ thống chính sách còn mang tính hình thức. Vì vậy, cần có cơ chế thống nhất.

Được biết, liên quan đến vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, trước đó, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cũng cho biết, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công - tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần xây dựng rõ cơ chế hợp tác công - tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO