Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cần tháo gỡ những nút thắt để tạo đòn bẩy…
Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được triển khai trên thực tiễn, phát triển công nghiệp văn hóa trong năm 2024 đã vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để ghi dấu sự chuyển biến mạnh mẽ. Công nghiệp văn hóa trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.
Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, cả nước có 115 đơn vị văn hóa, nghệ thuật công lập, trong đó có 12 đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố và 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa, nghệ thuật. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa khoảng 46.535 đơn vị. Sang năm 2019, số lượng doanh nghiệp này tăng lên 97.167.
Đến nay, tuy chưa có số liệu thống kê cập nhập song từ thực tiễn cho thấy, bên cạnh những đơn vị phải dừng hoạt động do làm ăn không hiệu quả thì đồng thời cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, hoạt động hết sức sôi nổi. Bên cạnh vai trò nòng cốt của các đơn vị công lập thì sự năng động của các doanh nghiệp tư nhân đã tạo nên "làn gió mới", đóng góp hiệu quả cho phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đóng quan trọng vào tăng trưởng của đất nước, song các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp không ít khó khăn, rào cản cần tháo gỡ.
Một số ý kiến cho rằng, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tiềm năng và thế mạnh về công nghiệp văn hóa chưa được phát huy tối đa. Cơ chế, chính sách, ưu đãi về thuế… chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, tổ chức, hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ. Vấn đề vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp. Các giải pháp bảo vệ sự sáng tạo chưa thực sự hữu hiệu, cần biện pháp chế tài đủ sức răn đe nhằm góp phần quản lý, thực hiện quyền tác giả tốt hơn.
Không chỉ có vậy, một trong những thách thức trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay chính là việc thiếu hụt nguồn nhân lực có năng lực kinh doanh, điều hành và quản trị những doanh nghiệp văn hóa. Quy mô vốn của những doanh nghiệp văn hóa còn nhỏ, khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài còn thấp.
Để giải quyết hiện trạng đã nêu, theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cần tháo gỡ những nút thắt để tạo đòn bẩy.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, hiện tại lĩnh vực văn hóa và thể thao vẫn chưa được ưu đãi về thuế để thu hút doanh nghiệp đầu tư, thuế đất vẫn theo giá thị trường. Thêm vào đó, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong đó đã bỏ quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim được hưởng thuế suất giá trị gia tăng ưu đãi 5% trước đây, thay vào đó là chịu thuế suất 10% theo mức thuế chung.
“Đây là những khó khăn trong việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia, cần có chính sách tháo gỡ nhằm góp phần đưa công nghiệp văn hóa trở thành động lực tăng trưởng kinh tế”, vị này bày tỏ.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, trước mắt cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa cũng như luật đầu tư, tài trợ, hiến tặng để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho lĩnh vực văn hóa.
Đồng thời đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản, nghệ thuật, truyền thông văn hóa... để tạo ra một thế hệ chuyên gia có năng lực đóng góp vào việc phát triển văn hóa quốc gia.
Cùng với các vấn đề đã nêu, để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, theo các chuyên gia, phải xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa tại các vùng kinh tế trọng điểm. Ngoài ra triển khai các dự án hỗ trợ hoạt động sáng tạo, hình thành các không gian văn hóa và hỗ trợ khởi nghiệp về công nghiệp văn hóa.