Du lịch

Công nghiệp văn hóa: Làm sao để tăng cạnh tranh?

Tuấn Vỹ 15/02/2025 00:01

Các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm.

CNVH (1)
Nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, nhưng để ngành công nghiệp văn hóa “cất cánh” vẫn cần thêm nhiều trợ lực.

Công nghiệp văn hóa cũng được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh,... cho mỗi quốc gia.

Tận dụng có hiệu quả chính sách

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa đang được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng đang tận dụng lợi thế sẵn có.

Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế khi thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực. Cùng với đó, cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ, chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực,... trong khi tiềm năng là rất lớn.

Chính vì vậy, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Trong Chỉ thị nêu rõ sẽ ưu tiên các chính sách về ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Đồng thời, chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Cơ chế, chính sách đã có, đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp tận dụng phát triển sản phẩm - phẩm - dịch vụ văn hóa mới, độc đáo để thu hút tạo ra kinh tế, phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế.

Để ngành công nghiệp văn hóa “cất cánh”?

Để tạo đà cho các ngành công nghiệp văn hoá “cất cánh”, các doanh nghiệp cho rằng vẫn cần thêm sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành, sản phẩm văn hóa. Ngoài cơ chế, doanh nghiệp cũng cần được giúp sức ở nguồn vốn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gìn giữ văn hóa cũng như hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện văn hóa lớn.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhìn nhận đến nay việc triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa thông thoát. Mỗi ngành đều có những thách thức, khó khăn, vướng mắc riêng rất cần được tháo gỡ.

“Với ngành quảng cáo, vẫn còn đó những quy định, thủ tục không phù hợp, không khuyến khích được sự phát triển của ngành quảng cáo; tình trạng quảng cáo trên không gian mạng, quảng cáo xuyên biên giới tràn lan, lấn át quảng cáo trong nước nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu,... Tất cả đều đang trông chờ vào Luật Quảng cáo (sửa đổi) mà Quốc hội dự kiến sẽ thông qua vào năm 2025 để tháng 01 năm 2026 mới có hiệu lực. Vậy, trong thời gian chờ đợi này, ngành quảng cáo vẫn khó có điều kiện lột mình để vươn lên cho kịp với thời đại”, vị này ý kiến.

Ông Sơn cho rằng, rất cần một “nhạc trưởng” tài ba để chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng đồ sộ với nhiều nhạc cụ độc đáo do các nhạc công từ nhiều nhà hát khác nhau tập hợp lại để cùng hòa tấu bản giao hưởng lớn mang tên “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” sao cho đúng bài bản, nhịp nhàng và hấp dẫn đi sâu vào lòng khán thính giả.

Tương tự, ông Đoàn Đức Dương, Giám đốc pháp lý Đất Việt VAC & VieON đề xuất Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT và Bộ Tài Chính nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ về vay vốn sản xuất chương trình cho doanh nghiệp Việt Nam và giảm thuế. Cùng với đó, các bộ nên đồng hành cùng doanh nghiệp Việt trong việc triển khai các chương trình mục tiêu nhằm quảng bá chương trình Việt do người Việt thực hiện, hỗ trợ việc đưa tác phẩm điện ảnh, truyền hình Việt Nam ra kinh doanh ở nước ngoài.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét giảm Thuế suất thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay)”, ông Dương đề xuất.

Với lĩnh vực du lịch, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.

“Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến”, ông Hà Văn Siêu nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Công nghiệp văn hóa: Làm sao để tăng cạnh tranh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO