Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói hỗ trợ, không để người dân “đói cơm lạt muối”

Anh Duy 05/04/2020 19:40

Thủ tướng yêu cầu phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn, sẽ có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, chi trả thuận lợi không phải hàng tháng đi xin.

Tối ngày 5/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 241. Hôm nay cũng là ngày có số bệnh nhân ít nhất trong gần 1 tháng qua. Hôm nay cũng có thêm 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, tổng số bệnh nhân khỏi bệnh đến nay là 91 người, chiếm 38% tổng số bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc.

"Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.

Thủ tướng đề nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước phối hợp tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan. Thủ tướng cũng giao các bộ liên quan xây dựng báo cáo tổng quát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền.

Về đối tượng, Thủ tướng cho biết, sẽ có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động.

“Nhân vô thập toàn, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Thủ tướng yêu cầu tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở

    16:35, 04/04/2020

  • Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương có đề xuất báo cáo về xuất khẩu gạo trước ngày 6/4

    02:16, 04/04/2020

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bảo đảm sức khoẻ, tính mạng người dân là mục tiêu tối thượng

    19:13, 03/04/2020

  • Thủ tướng chỉ thị: Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ 1/4 trên phạm vi toàn quốc

    12:21, 31/03/2020

  • Gói hỗ trợ tín dụng đã được kích hoạt thực sự?

    11:01, 03/04/2020

Về thời gian hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ, các ý kiến cũng nhất trí với tinh thần Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ra. Theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Đồng thời phải tính độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc chi trả làm sao phải tạo thuận lợi cho người lao động, người gặp khó khăn, chứ không phải tháng nào cũng phải chạy đi xin.

Về nguồn để sử dụng cho việc hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ, có nguồn từ tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội. Bên cạnh đó, có nguồn từ tăng thu 2019 và sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 và các nguồn hợp pháp khác.

Thủ tướng lưu ý, phải nêu rõ số tiền từng nguồn, ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương phân bổ thế nào. “Các cấp đều phải có trách nhiệm chứ không chỉ Trung ương”, Thủ tướng nói.

Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm, chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền.

“Ai chịu trách nhiệm cái này, có phải Chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?”, Thủ tướng nêu rõ việc giao quyền, trách nhiệm cụ thể cho cấp cơ sở.

Nhấn mạnh các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống nhân dân, Thủ tướng cho biết, riêng ngành điện lực đã hỗ trợ gần 12.000 tỷ đồng về giá điện, ngành viễn thông cũng hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng…“Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, Thủ tướng nói.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nguyên tắc của gói hỗ trợ là chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 gây ra.

Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách;...

Nội dung chính Dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.470 tỷ đồng, tổng số người được hỗ trợ 4,315 triệu người).

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 6.730 tỷ, tổng số hộ được hỗ trợ 2.244.000 hộ).

Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 1 triệu lao động).

Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động).

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 2.280 tỷ đồng, tổng số hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 760 ngàn hộ).

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 5 triệu lao động).

Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Bên cạnh đó, có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hóa tạo điều kiện người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỷ đồng.

Cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói hỗ trợ, không để người dân “đói cơm lạt muối”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO