Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 của TP. HCM ước đạt 25 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo tại cuộc họp tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của UBND TP. HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 nhưng nhìn chung kinh tế TP. HCM đang có chiều hướng phục hồi dần và khả năng tăng nhanh vào quý IV/2020.
Theo bà Mai, có được sự tăng trưởng đáng khích lệ tại thời điểm này là do sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố 8 tháng đạt 25 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 23,7 tỷ USD).
Đồng thời, nhằm duy trì sức mua trong tình hình khó khăn hiện nay, các hệ thống phân phối hiện đại tại Thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại từ ngày 20/8, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opxtra đồng loạt giảm giá trong 21 ngày để tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố triển khai các chương trình kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng.
“Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các doanh nghiệp cải thiện được doanh thu. Sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại. Qua đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng đạt 826.844 tỷ đồng” - bà Mai chia sẻ.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng ước tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,1%); bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 2,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,4%). Về giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp 8 tháng ước đạt 8.764 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,1%).
Về tình hình thu ngân sách nhà nước, bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM cho biết, thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt 220.858 tỷ đồng, bằng 54,42% dự toán. Mức thu trung bình mỗi ngày làm việc trong 8 tháng là 1.346 tỷ đồng.
Trong những tháng cuối năm 2020, các cơ quan thuế, hải quan tập trung phối hợp với đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ các giải pháp thu hồi nợ đọng, tránh phát sinh thêm nợ đọng để tăng nguồn thu nộp về ngân sách Thành phố.
Cơ quan thuế phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khai thác nguồn thu từ đất. UBND các quận, huyện, Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục để đưa ra đấu giá các mặt bằng nhà xưởng đã được UBND Thành phố phê duyệt và hoàn tất thủ tục bán đấu giá sớm có nguồn thu cho Thành phố.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công của TP. HCM là một điểm sáng tích cực. Đến nay, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân đạt gần 21.300 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn Thành phố đã giao. Số vốn giải ngân lớn gấp 2,3 lần, tỷ lệ giải ngân tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP. HCM lưu ý các sở ngành, quận huyện không tự bằng lòng khi thấy việc giải ngân đã đạt được mức cao hơn năm trước. Ông Phong lưu ý, trong điều kiện chịu sự tác động mạnh bởi dịch COVID-19 như hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công có nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy kích cầu kinh tế, góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Trong khi đó, việc giải ngân vốn đầu tư công tại các quận, huyện vẫn tồn tại vướng mắc chung về giải phóng mặt bằng. Các quận huyện cũng đang chờ thẩm định giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và sự chậm trễ của các dự án cũng có lý do một phần là Hội đồng thẩm định giá đất TP. HCM cần thời gian kiện toàn như thời gian qua.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu hai đơn vị này tập trung đẩy nhanh hơn tốc độ giải ngân bởi có số vốn các dự án rất lớn.
“Các địa phương, đơn vị không được phép tự bằng lòng với chính mình. Đến tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân phải đạt hơn 80% và cuối năm 2020 phải đạt 95%” - Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP. HCM: Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị “tuýt còi”
13:30, 03/09/2020
TP. HCM: Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để chậm giải ngân vốn đầu tư công
19:00, 26/08/2020
TP. HCM cần phấn đấu sớm trở thành Thành phố công nghiệp thông minh, hiện đại
19:41, 23/08/2020
TP. HCM: 6 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công
18:00, 21/08/2020