Việc ký kết được EVFTA và IPA dường như Việt Nam đã mở ra một “tuyến đường cao tốc hướng Tây” để kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế EU.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh vấn đề này.
- Thưa tiến sĩ, ông đánh giá thế nào về tác động của EVFTA tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
EU là trung tâm kinh tế lớn của thế giới, là trung tâm khởi nguồn của công nghệ cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo. EU cũng là nơi bắt nguồn của những giá trị toàn cầu với chất lượng cao nhất và đây cũng là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Việc ký kết được hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư giữa Việt Nam - EU dường như chúng ta đã mở ra một “tuyến đường cao tốc hướng Tây” để kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế EU.
Hiện nay Châu Âu đang chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và cũng là nhà đầu tư hàng đâu. Tuy nhiên, để đánh giá tầm quan trọng của thị trường EU đối với Việt Nam không thể chỉ đánh giá ở phương diện quy mô vốn đầu tư hay tổng kim ngạch xuất khẩu mà cần phải đánh giá ở chất lượng đầu tư cũng như dòng chảy thương mại này.
Chúng ta biết rằng, quan hệ thương mại EU và Việt Nam có tính bổ sung, tương tác rất cao chứ không có cạnh tranh trực tiếp. Chính điều này giúp hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt được giá trị gia tăng lớn hơn. Đồng thời, tạo điều kiện để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư FDI của EU vào Việt Nam với chất lượng cao hơn, công nghệ cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Thêm nữa, khi làm việc với đối tác EU, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng tầm quản trị của mình để hướng tới những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, việc khai thông dòng chảy thương mại, đầu tư với EU hướng tới chuẩn mực cao nhất của thế giới còn là động lực, áp lực giúp chúng ta đẩy mạnh mẽ hơn cải cách thể chế để hướng tới thể chế thị trường hiện đại và hội nhập và đó cũng là yêu cầu mới cho sự phát triển của Việt Nam.
Như vậy cái tác động tích hợp về thương mại về đầu tư, quản trị, thể chế... sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam được nâng tầm và có điều kiện tốt hơn để hướng tới mục tiêu bứt phá, mục tiêu trở thành một trong các nền kinh tế phát triển và có năng lực cạnh tranh hàng đầu quốc tế vào năm 2045 - ngày kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
- Vậy theo tiến sĩ, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì, phải làm gì để đón đầu và tận dụng được cơ hội đó?
Trong bối cảnh thương mại thế giới đang bất ổn như hiện nay, chiến tranh thương mại gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng thì việc ký kết được hiệp định thương mại tự do với EU, Việt Nam dường như đã tạo nên một cái neo để thúc đẩy, giữ vững quan hệ giữa Việt Nam đối với một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới. Đây có thể coi là điểm tựa, cơ hội cho sự phát triển và hội nhập của các doanh nghiệp.
Cơ hội rất là lớn nhưng khó khăn thách thức không hề nhỏ. Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị. Trước hết, phải tiếp cận được các thông tin về thị trường này. Điều này đòi hỏi nỗ lực từ hai phía, đó là cơ quan đàm phán, cơ quan quản lý cùng với VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp phải ngay lập tức cung cấp thông tin cho các hiệp hội doanh nghiệp, thông tin phải chi tiết tới từng mặt hàng, từng dòng thuế. Để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam định vị được các hoạt động kinh doanh của mình, lựa chọn được điểm đến cần thiết, đồng thời lựa chọn được các khách hàng, đối tác của mình.
Điểm thứ hai tôi thấy cũng rất quan trọng, là suy cho cùng doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội hay không đó chính là doanh nghiệp phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình, doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại quản trị, nâng cấp lại quản trị, phải tái cấu trúc lại mặt hàng, ngành hàng của mình. Trên cơ sở đó hướng tới khai thác các thị trường mới mở và các doanh nghiệp phải sẵn sàng đương đầu với cạnh tranh của các doanh nghiệp EU trên thị trường Việt Nam với mức thuế thấp hơn rất nhiều.
- Vậy, các doanh nghiệp cần làm gì để vượt lên những khó khăn, thách thức đó, thưa tiến sĩ?
Tôi cho rằng đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp có thể thành công. Phải nói rằng trong quá trình đổi mới, cải cách mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, tầm nhìn kinh doanh phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển bền vững đang là mẫu số chung, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tương tác, kết nối với doanh nghiệp toàn cầu đặc biệt là các doanh nghiệp ở các nước phát triển.
Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam phải bám sát vào các tiêu chuẩn phát triển bền vững để tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động quản trị và chiến lược kinh doanh của mình, đảm bảo cân đối các mục tiêu về lợi nhuận với mục tiêu xã hội, môi trường, phải đảm bảo làm ra lợi nhuận của mình nhưng vẫn đặt con người ở vị trí trung tâm và không làm đau trái đất.
- Trân trọng cám ơn tiến sĩ!