Kinh tế số tạo “bước nhảy” trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

NGUYỄN VIỆT THỰC HIỆN 12/11/2020 19:00

Đó là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, định hướng phát triển của Việt Nam là hướng tới sự phát triển bền vững bao trùm, nhưng đặt phát triển kinh tế số, chuyển đổi số là một động lực cho sự phát triển. Đây là biện pháp tạo ra sự phát triển đột phá, tạo ra “bước nhảy” đi tắt đón đầu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tới.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020?

Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm mục tiêu giới thiệu với các nhà đầu tư kinh doanh trên toàn cầu về bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bao gồm hiện trạng, những vấn đề phát triển và công cuộc cải cách để có cách nhìn tổng quan vĩ mô về môi trường kinh doanh, cơ hội kinh doanh của Việt Nam.

Đây cũng là dịp để Việt Nam tạo ra các mối quan hệ liên kết, hợp tác xuất khẩu và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Hội nghị năm 2020 với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu từ các nước trên thế giới và tại Việt Nam, chủ đề năm nay chủ yếu nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số.

Nội dung hội nghị năm nay tập trung vào thúc đẩy phát triển kinh tế số trong cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy xây dựng logistics thông minh, phát triển nông nghiệp công nghiệp cao gắn liền với kinh doanh trên internet.

Việt Nam đã cố gắng giới thiệu những lĩnh vực có tiềm năng nhất gắn kết với chuyển đổi số, kinh tế số để kêu gọi sự hợp tác, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ về kết quả về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp ngay tại hội nghị lần này?

Do phạm vi trao đổi rất rộng lớn, nên cho tới thời điểm nay chúng tôi chưa có kết quả cuối cùng của các cuộc thương thảo giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước. Tôi hy vọng trong 2 ngày diễn ra hội nghị thì sẽ thiết lập được mối quan hệ giữa các đối tác và có thể có được những hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng như xuất nhập khẩu cụ thể, những dự án cụ thể.

Tuy nhiên, cái lớn hơn từ những dự án, hợp đồng cụ thể chính là việc tạo lập được mối quan hệ, thiết lập được mạng liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nền kinh tế ASEAN, các đối tác và nền kinh tế toàn cầu.

Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay, các sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì Việt Nam đã tương đối thành công trong việc kiềm chế dịch bệnh COVID-19. Việt Nam đã trở thành một trong số nước ít ỏi có nền kinh tế tăng trưởng dương, và đang bước vào quá trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời trở thành bến đỗ an toàn cho dòng đầu tư và kinh doanh ngoài nước.

Hiện nay các nhà đầu tư đang chọn Việt Nam như điểm đến đầu tiên trong hành trình đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung ứng. Việt Nam có rất nhiều tín hiệu như vậy, và điều quan trọng hơn, đó không chỉ là lắp ráp, gia công như trước đây, mà vấn đề dịch chuyển, nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ định hình cho sự phát triển FDI của Việt Nam.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Việt Nam đang có những cơ hội lớn thu hút đầu tư, điều quan trọng nhất lúc này với Việt Nam là phải làm sao tiếp tục đẩy mạnh hơn việc cải cách thể chế, đặc biệt là thủ tục hành chính cũng như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước để có thể trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI trong làn sóng này.

Tôi hy vọng trong thời điểm hiện nay, rất ít các hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư được tổ chức do dịch bệnh COVID-19, đây là sự kiện hiếm hoi và rất quan trọng.

Trong điều kiện xúc tiến thương mại đầu tư toàn cầu đang bị ngưng trệ, hình thức xúc tiến này của Việt Nam vừa diễn ra dưới dạng trực tuyến và trực tiếp sẽ là phương thức có hiệu quả.

Như ông có nói, logistics và nông nghiệp là hai lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số của Việt Nam. Vậy tại sao tại hội nghị này lại chọn 2 lĩnh vực làm chủ đề chính trong các phiên thảo luận, thưa ông?

Do đây là 2 lĩnh vực khó nên chúng tôi mới chọn làm chủ đề thảo luận, mặc dù khó nhưng không phải chúng ta không làm được. Hai lĩnh vực này vẫn biết gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số nhưng lại có dư địa rất lớn cho sự phát triển.

Phải nói rằng, chi phí logistics hiện nay ở Việt Nam là rất cao trong tương quan so sánh khu vực và thế giới. Có thể nói, đây chính là điểm nghẽn về nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải hạ thấp được chi phí logistics trong nền kinh tế.

Chính vì vậy chúng tôi mong muốn hội nghị tập trung thảo luận về chủ đề này để tìm ra những giải pháp về thể chế, chính sách. Đặc biệt là tìm những nhà đầu tư và phương thức đầu tư có hiệu quả để nâng cấp hệ thống logistics của Việt Nam, qua đó giảm được chi phí logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu xử lý được điểm nghẽn này thì sẽ tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế.

Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta vẫn nói rằng đây không chỉ là bệ đỡ cho nền kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn, mà nông nghiệp còn là động lực tăng trưởng rất quan trọng khi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề thiếu hụt thực phẩm đang trở thành vấn đề nan giải trong nền kinh tế toàn cầu.

Và Việt Nam với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự phong phú của các tiểu vùng khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, thậm chí cả yếu tố văn hóa, thì Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới thông qua phát triển nông nghiệp.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • VBS 2020: “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”

    VBS 2020: “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”

    09:41, 12/11/2020

  • [TRỰC TIẾP] VBS 2020: “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”

    [TRỰC TIẾP] VBS 2020: “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”

    09:13, 12/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế số tạo “bước nhảy” trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO