VCCI

TS Vũ Tiến Lộc: Cả sự nghiệp vì doanh nghiệp

BAN BIÊN TẬP 08/08/2024 12:00

TS Vũ Tiến Lộc là Đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến XV; Ủy viên Ủy ban Kinh tế từ khóa XII đến nay, ông hiện là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). TS Vũ Tiến Lộc từng là Chủ tịch VCCI trong 18 năm, giai đoạn 2003-2021.

Được ví như vị thủ lĩnh tinh thần của doanh nhân Việt, là một chính khách - Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV, TS Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, bằng trọn vẹn tâm lực của mình với những góc nhìn mang tầm vĩ mô và cách tiếp cận thực tiễn, sáng tạo, ông đã góp phần thúc đẩy công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, mở rộng hội nhập, đẩy mạnh sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt.

TS VTL
TS Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Góp phần khẳng định vai trò của “doanh nhân – người lính thời bình”

Năm 2004, ông đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng chọn 13/10 (ngày Bác Hồ viết thư cho giới thương gia) hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. Ông cũng là người đưa ra sáng kiến, đề xuất với Quốc hội khóa XIII hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp. Sau này, trong nhiều phát biểu và trả lời báo chí nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc vẫn tự hào: “Tôi rất vui mừng vì doanh nhân hiện không còn bị gọi là “con buôn”, là “thằng bán tơ” hoặc bằng những từ không đẹp… mà đã có vị trí xứng đáng trong Hiến pháp, trong nền kinh tế cũng như trong đánh giá của cả xã hội”.

Ông là người đầu tiên đưa ra thông điệp “Doanh nhân - người lính thời bình” và xây dựng ý tưởng Cúp Thánh Gióng để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

TS Vũ Tiến Lộc cũng là người đứng sau sáng kiến đề xuất với Quốc hội khóa XIII để lần đầu tiên hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp, cùng các giai tầng khác như công nhân, nông dân, trí thức. Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhớ lại thời gian soạn thảo Hiến pháp 2013, ông Phúc lúc đó là Phó Trưởng ban Biên tập, phụ trách chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Ông Vũ Tiến Lộc lúc đó là Chủ tịch VCCI chính là "đầu vào" cho các ý tưởng liên quan đến cách diễn đạt về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Theo ông Phúc, "doanh nghiệp" đã xuất hiện trong Hiến pháp 1992, nhưng đưa thêm “doanh nhân” vào Hiến pháp 2013 vẫn còn ý kiến khác nhau. Cuối cùng, nhờ sự đóng góp của nhiều người, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp mà ông Vũ Tiến Lộc là một tiếng nói đại diện quan trọng, thì “doanh nhân” đã có một vị trí xứng đáng. Hiến pháp hiện hành với Điều 51 quy định: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa".

TS VTL1
TS Vũ Tiến Lộc và lãnh đạo của VCCI tại chương trình Diễn đàn Doanh nghiệp 2020 “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình”. Ảnh: Quốc Tuấn

Ông là người tiên phong trong nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân. Ông đã kiến nghị với Đảng và được phân công làm Trưởng Ban biên tập Đề án “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa”, làm cơ sở để Đảng ta ban hành Nghị quyết đầu tiên trong lịch sử về giai tầng xã hội quan trọng này.

Ông từng chia sẻ: “Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài đất nước”.

Đau đáu vì doanh nghiệp

Đau đáu với việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn với các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, ông Lộc từng phát biểu công khai rằng: “Tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu!”.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên trưởng Ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ: “Anh Lộc cũng là người có nhiều sáng kiến, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành những quyết sách lớn về đầu tư, kinh doanh, trong đó có thể kể tới nghị quyết phát triển đội ngũ doanh nhân, nghị quyết phát triển doanh nghiệp tư nhân và thực hiện nhiều hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân”, ông Huỳnh cho biết.

Dưới sự lãnh đạo của TS Vũ Tiến Lộc, VCCI đã đi tiên phong trong đổi mới, đưa ra những kiến nghị sắc sảo thúc đẩy mạnh mẽ hành trình tháo gỡ những rào cản, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở đường cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều chương trình về phát triển hiệp hội, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp quốc gia… đã được khởi động ở VCCI từ gần 20 năm trước và lan toả ra các tỉnh thành trong cả nước.

Ở tầm vi mô hơn, TS Vũ Tiến Lộc đã trực tiếp chủ trì và dẫn dắt các cuộc đối thoại chính sách ở tầm quốc gia và quốc tế giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Ông đóng vai trò một mắt xích quan trọng, một cầu nối có hiệu quả giữa nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu.

Bạn bè, các chính trị gia và doanh nhân quốc tế đã trìu mến gọi ông là “Đại sứ kinh tế” của Việt Nam, coi ông là một trong những vị Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp trẻ trung, năng động và có ảnh hưởng nhất trong khu vực và thế giới.

Thay lời kết

Có lẽ ít ai biết ông đã từng là Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thời kỳ đầu. Ông là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ sinh thái Diễn đàn Doanh nghiệp cũng như tên gọi Diễn đàn Doanh nghiệp – đặt cho chúng tôi một sứ mệnh quan trọng: TIẾNG NÓI CỦA CỘNG ĐỒNG DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP VIỆT NAM.

Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng tiễn biệt Ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TS Vũ Tiến Lộc: Cả sự nghiệp vì doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO