Vận rủi của Grab dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng khi Hiệp hội taxi Đà Nẵng (“Hiệp hội”) đang hoàn tất những thủ tục để khởi kiện đối với Grab (“Vụ kiện”).
Có rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh từ sự việc này.
Mới đây, ngày 24/3, ông Võ Thành Nhân, chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng, cho biết đang hoàn tất thủ tục pháp lý khởi kiện Grab ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho 8 đơn vị hội viên (8 công ty hoạt động taxi tại Đà Nẵng).
Thẩm quyền khởi kiện của Hiệp hội
Cùng là các tranh chấp trong lĩnh vực vận chuyển hành khách cá nhân, nhưng bản chất của vụ kiện Vinasun – Grab và vụ kiện Hiệp hội – Grab là khác nhau về bản chất. Trong vụ Vinasun – Grab thì Vinasun là một công ty hoạt động trong lĩnh vực taxi, họ khởi kiện khi cho rằng quyền lợi của họ bị Grab xâm phạm một cách bất chính. Trong khi đó, trong vụ việc ta đang bàn, thiệt hại (nếu có), chính là các hội viên chứ không phải là Hiệp hội. Cho nên ta thấy, xét về logic, Hiệp hội đang khởi kiện với tư cách là cơ quan đại diện cho quyền lợi của các hội viên, là các công ty hoạt động taxi tại Đà Nẵng.
Cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện của Hiệp hội trong trường hợp này chỉ có thể là Khoản 4 Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”. Tuy vậy, điểm mấu chốt để cơ quan tổ chức khởi kiện chính là bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.
Lợi ích công cộng là một khái niệm khá… mù mờ. Nhưng lợi ích của các công ty taxi ở Đà Nẵng chắc chắn không thể được coi là lợi ích công cộng được. Một khi lợi ích này không được coi là lợi ích công cộng, quyền khởi kiện của Hiệp hội khó có thể chấp nhận. Từ đó có thể thấy, cách tiếp cận của các hãng taxi Đà Nẵng như hiện nay là chưa khôn ngoan, nếu nhìn từ góc độ pháp lý. Sẽ là chắc chắn hơn nếu các doanh nghiệp này, tự mình khởi kiện. Thắng thua còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn là việc khởi kiện Grab sẽ tránh việc bị Toà án trả đơn vì lý do Hiệp hội không có thẩm quyền khởi kiện.
Tính khó dự đoán của pháp luật và những hệ quả
Sự va chạm giữa một doanh nghiệp đang tận dụng những thành tựu công nghệ mới thách thức phương thức kinh doanh truyền thống ắt hẳn sẽ tạo thành những xung đột. Rõ ràng với sự phát triển không ngừng của mình, Grab đã gây ra nhiều thách thức cho các hãng taxi truyền thống. Mô hình kinh doanh của Grab có những ưu thế của mình, nhưng nó cũng bao hàm những rủi ro lớn. Trong đó, khung pháp lý chưa rõ ràng phải được xem là thách thức lớn nhất. Chính sự không rõ ràng này, làm cho chi phí vận hành của Grab gia tăng.
Nhìn từ góc độ kinh doanh, vụ kiện Vinasun – Grab đã gây cho Grab hai tổn thất lớn:
Thứ nhất: Hãng này phải tiêu tốn nhiều hơn cho chi phí pháp lý (là một trong những khoản chi phí vận hành doanh nghiệp). Vì cái họ đối diện không chỉ là câu chuyện thắng hay thua trong một vụ kiện đơn lẻ, mà qua vụ kiện Vinasun – Grab, nó sẽ là tiền đề dẫn đến những vụ kiện tương tự khác. Vụ kiện của Hiệp hội taxi Đà Nẵng nên được nhìn từ góc độ đó. Chỉ riêng việc khởi kiện, bản chất là các hãng taxi Đà Nẵng đã góp phần làm cho chi phí sản xuất của Grab gia tăng. Một khi chi phí tăng, mức giá mà Grab áp dụng với khách hàng hoặc các đối tác sẽ không còn thấp nữa, qua đó khả năng cạnh tranh của Grab với các hãng taxi truyền thống sẽ giảm đi.
Như vậy, pháp luật từ chỗ nhằm mục tiêu hướng đến một xã hội tốt đẹp thông qua việc điều tiết để các doanh nghiệp sử dụng nguồn lực hiệu quả thì với tính khó dự đoán và mù mờ, pháp luật lại trở thành công cụ để các bên sử dụng như một công cụ gây ra sự lãng phí và góp phần tạo nên tổn thất xã hội.
Thứ hai: Môi trường kinh doanh của Việt Nam qua đó sẽ được nhìn nhận là không thân thiện. Trên thực tế, quan điểm của lãnh đạo Nhà nước là luôn cổ xuý cho cách mạng công nghệ 4.0 và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhưng từ tuyên bố đến thực tiễn có một khoảng cách rất dài. Sự phát triển của mô hình Grab nên được coi là phép thử cho tuy duy cởi mở trong làn sóng công nghiệp mới ấy. Các doanh nghiệp như Grab và các nhà đầu tư của họ đang tham gia vào lĩnh vực mạo hiểm. Trong một môi trường kinh doanh mà khung pháp lý là khó dự đoán, nó góp phần làm cho tính mạo hiểm của các mô hình kinh doanh mới ngày càng gia tăng. Chính điều này sẽ làm chùn bước những ý định đầu tư nghiêm túc vào Việt Nam.
Cho nên, vụ kiện của Hiệp hội taxi Đà Nẵng hoặc các hãng taxi Đà Nẵng với Grab âu cũng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường, nếu nó được xử lý với một cách nhất quán và các luật sư chuyên nghiệp dựa vào các quy định của pháp luật để có thể dự đoán được những hệ quả của một vụ kiện. Nếu Việt Nam làm được việc ấy, những vụ kiện sau này chống lại Grab không còn phải tốn nhiều giấy mực của báo chí. Còn một khi tại một quốc gia nào đó, nhà đầu tư nhìn vào một vụ kiện, nhưng không biết tiếp theo sẽ là gì, liệu rằng có động cơ nào để họ tiếp tục đưa tiền vào đầu tư?