Thành phố thông minh đang trở thành xu hướng mới trong kiến trúc đô thị tại Nhật Bản. Mới đây, quốc gia này đã tiến thêm một bước trong việc xây dựng các “siêu thành phố” với công nghệ thông minh.
Những thành phố thông minh đang trở thành xu hướng mới trong kiến trúc đô thị tại Nhật Bản. Mới đây, quốc gia Đông Bắc Á này đã tiến thêm một bước trong việc xây dựng các “siêu thành phố” với công nghệ thông minh.
Theo đó, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ sẽ sớm được ban hành, giúp hạ thấp các rào cản pháp lý, khuyến khích các công ty bất động sản kết hợp với chính quyền địa phương lần lượt cải tạo các vùng ngoại ô hoặc sân golf thành các thành phố thông minh.
Các thành phố thông minh như vậy được xây dựng theo Sáng kiến Siêu thành phố của Nhật Bản. Họ sử dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn kết hợp với công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực bao gồm giao thông, y học và giáo dục để giúp cuộc sống của người dân dễ dàng hơn.
Quốc hội sẽ xem xét cắt giảm các rào cản pháp lý đối với các chính sách đầu tư, áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất, chẳng hạn như hệ thống xe tự lái, hay hệ thống giáo dục từ xa. Điều này trở nên đặc biệt được các công ty lưu tâm khi đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều lĩnh vực thông thường phải áp dụng một phần, hoặc chuyển toàn bộ sang việc áp dụng kỹ thuật số.
Những thay đổi liên quan đến việc xây dựng thành phố thông minh thường đòi hỏi sự hợp tác của nhiều cơ quan chính phủ. Luật mới sẽ đưa ra cách tiếp cận từ trên xuống.
Đặc điểm trong việc xây dựng thành phố thông minh tại Nhật Bản là tập trung vào các cụm dân cư nhỏ, ưu tiên năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. Cùng với sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo, các thành phố thông minh tại xứ sở hoa anh đào cũng tìm cách xây dựng một hệ thống thu thập thông tin của các cá nhân trong thành phố để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn.
Cụ thể, thành phố thông minh Kawashinoha, nằm cạnh thủ đô Tokyo đang trở thành tâm điểm để xây dựng mô hình thành phố thông minh tại Nhật Bản. Và như nhiều thành phố thông minh khác, Kawashinoha tập trung vào hệ thống quản lý năng lượng và ứng phó thiên tai.
Các tập đoàn điện tử cũng không đứng ngoài xu hướng. Tập đoàn điện tử Panasonic cũng vừa cho xây dựng một dự án thử nghiệm thành phố thông minh bên ngoài Tokyo. Dự án được xây dựng chủ yếu dựa trên các nền tảng công nghệ mặt trời và lưu trữ năng lượng.
Ngoài việc sử dụng các công nghệ mặt trời và công nghệ lưu trữ năng lượng, thành phố thông minh của Panasonic sẽ còn tận dụng đèn chiếu sáng và các thiết bị tiết kiệm năng lượng, cùng nhiều tính năng thân thiện với môi trường khác nữa. Người phát ngôn của Panasonic cho biết: “Chúng tôi không chỉ đơn giản là muốn phát triển một thành phố với hệ thống cơ sở hạ tầng dựa vào công nghệ tiên tiến, mà là muốn nó dựa trên lối sống thực tế của người dân”.
Cùng chung chí hướng xây dựng thành phố thông minh, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Nhật Bản đã bắt tay cùng Tập đoàn viễn thông Nippon Telegraph & Telephone (NTT) để xây dựng một dự án thành phố thông minh tại tỉnh Shizuoka. Cụ thể, Tập đoàn Toyota sẽ chi tổng cộng 200 tỷ yên (1,81 tỷ USD) để đưa các công nghệ mà Tập đoàn đang sở hữu vào dự án xây dựng thành phố thông minh trong năm 2021 trên nền một nhà máy cũ của Toyota tại tỉnh Shizuoka.
Toyota muốn tăng tốc phát triển xe hơi thế hệ mới sử dụng 5G bằng hạ tầng viễn thông của NTT. Cạnh tranh giữa các hãng xe trong những lĩnh vực như xe thông minh, xe tự lái, chia sẻ và điện khí hóa ngày càng nóng lên. Đặc biệt, phát triển xe thông minh đòi hỏi vận dụng công nghệ viễn thông để thu thập thông tin bên ngoài phương tiện.
Trọng tâm quan trọng của dự án, ngoài phát triển xe thế hệ mới, là xây dựng “Woven City” trên nền nhà máy Toyota cũ. Được định vị là “thành phố thông minh”, Woven City là thị trấn trang bị nhiều công nghệ mới như xe tự lái, xe điện. Cư dân của thành phố thông minh sẽ đóng vai trò thử nghiệm các công nghệ mới này, không chỉ là xe cộ mà còn cả robot dùng trong nhà.
Những công nghệ này đều phụ thuộc vào kết nối mạng tốc độ cao mà Toyota mong muốn có được từ việc hợp tác với NTT. Về phần mình, NTT mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống tại các khu đô thị bằng dữ liệu. Tại Mỹ, gã khổng lồ viễn thông bắt tay với thành phố Las Vegas để phát triển hệ thống theo dõi, phát hiện xe và người di chuyển thông qua camera giám sát và cảm biến âm thanh, giúp giảm tai nạn giao thông.
Tại Nhật Bản, NTT cũng làm việc với các thành phố Sapporo và Chiba. Tại Sapporo, một dự án đang được thực hiện nhằm hỗ trợ ngành du lịch còn tại Chiba, họ đang thử nghiệm công nghệ xe tự lái. Mặc dù chưa có thống kê về số lượng các thành phố thông minh, tuy nhiên, các cụm dân cư nhỏ, có trung tâm quản lý năng lượng và thông tin tập trung đang mọc lên ngày càng nhiều tại Nhật Bản và được xem là xu hướng mới trong phát triển đô thị tại nước này.
Có thể bạn quan tâm