Nếu không tuân theo quy chuẩn có thể dẫn tới các thành phố thông minh không thể “nói chuyện” được với nhau. Kết quả là một tổng thể “thiếu thông minh”.
Tọa đàm chủ đề “Xu hướng hội tụ công nghệ trong đô thị xanh thông minh: Kết nối – Trí tuệ – Bền vững” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đã làm nổi bật một khía cạnh cốt lõi trong quá trình xây dựng và phát triển các đô thị hiện đại, đó là vai trò không thể thiếu của tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Hồ Đức Thắng – Phó Cụ trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ – thì đô thị thông minh rất đa dạng, không chỉ là câu chuyện công nghệ mà còn cần tầm nhìn chiến lược của địa phương. Cách tốt nhất để triển khai đô thị thông minh là nằm trong chiến lược của địa phương, và nên theo một chiến lược của nước ngoài bài bản, đầy đủ. Tuy nhiên, để các thành phần trong hệ sinh thái đô thị thông minh có thể kết nối với nhau, từ con người, thể chế, hạ tầng cho đến công nghệ, thì cần có một thế giới kết nối.
Ông Thắng nhấn mạnh rằng, nếu một đô thị không nói chuyện được với các đô thị khác, một hệ thống không nói chuyện được với hệ thống khác thì cơ bản nó không phải là “thông minh”. Do đó, bắt buộc phải có tiêu chuẩn để các hệ thống có thể nói chuyện với nhau.
Việc phát triển thành phố thông minh cần một gốc rễ từ sự phát triển kinh tế xã hội, như chia sẻ kinh nghiệm của Bình Dương từ Tiến sĩ Nguyễn Việt Long – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương – cho thấy, nơi mà áp lực phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao đã buộc tỉnh phải tìm con đường thích ứng và thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Ông Long cho biết, tỉnh rất tin vào việc phải có chuẩn cơ bản thì mới có thể đổi mới sáng tạo được. Đổi mới sáng tạo mà không có nền tảng thì rất khó. Tiêu chuẩn là để tạo sự hòa hợp, sự chấp nhận chung của cộng đồng, từ đó đảm bảo tính liên thông và tương thích quốc tế.
Ông Đoàn Văn Khải – Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Trưởng bộ phận Niềm tin Kỹ thuật số của Viện tiêu chuẩn Vương quốc Anh (BSI) Việt Nam – cũng cho rằng, khi áp dụng tiêu chuẩn là Việt Nam hướng tới sự ổn định, thiết lập một nền tảng để doanh nghiệp có thể tham gia sân chơi. Tiêu chuẩn và tất cả các yếu tố chuẩn hóa đều để phục vụ cuộc sống và doanh nghiệp, không phải chỉ phục vụ cơ quan quản lý nhà nước.
Về mặt kỹ thuật, tiêu chuẩn có nhiều lớp. Ông Thắng chỉ ra các lớp tiêu chuẩn cơ bản, bắt đầu từ các tiêu chuẩn liên quan tới truyền dẫn (như 5G, 6G) để các thiết bị có thể giao tiếp và hiểu nhau. Khi các thiết bị đã giao tiếp được, cần có tiêu chuẩn liên quan tới dữ liệu để các hệ thống có thể trao đổi dữ liệu với nhau.
Trong thế hệ mới hiện nay, thậm chí còn nói đến tiêu chuẩn AI, dành cho AI trong đô thị thông minh. Một lớp tiêu chuẩn cao hơn nữa là câu chuyện về AI agent, tức là các trợ lý AI có thể giao tiếp và ra lệnh cho nhau. Ông Thắng còn đề cập đến một xu hướng mới nhất là AIoT platform. Đó là một nền tảng được vận hành thông qua tất cả các loại tiêu chuẩn hiện hành, kết hợp IoT và AI.
Từ góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết thêm về các cấp tiêu chuẩn tại Việt Nam hiện nay. Đó lần lượt là tiêu chuẩn cơ sở do doanh nghiệp tự công bố, tiêu chuẩn của hiệp hội, và cuối cùng là tiêu chuẩn quốc gia. Ông Khải bổ sung tiêu chuẩn có thể được phân thành hai loại chính là tiêu chuẩn kỹ thuật (nên hài hòa quốc tế) và tiêu chuẩn khác (như dữ liệu, văn hóa, đạo đức) mà Việt Nam nhất định phải cần làm chủ.
Sự quan trọng của tiêu chuẩn/quy chuẩn đó dẫn tới những thách thức lớn trong việc làm tiêu chuẩn tại Việt Nam. Ông Thắng cho rằng, đáng lẽ vai trò làm tiêu chuẩn chính phải là doanh nghiệp – những người nắm công nghệ - nhưng trên thực tế, doanh nghiệp lại ít tham gia và thường giao cho các đơn vị nhà nước đảm nhiệm, vốn là bên ít am hiểu về công nghệ như doanh nghiệp.
Điều này dẫn đến tình trạng chỉ sao chép tiêu chuẩn nước ngoài và sửa đổi một chút, khiến các hệ thống dù cùng gốc nhưng lại không thể nói chuyện với nhau. Ông gọi đây là việc "không có cái nghề làm tiêu chuẩn" ở Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là việc sao chép tiêu chuẩn thẻ chip từ nước ngoài, dẫn đến các hệ thống thẻ của ngân hàng, giao thông, quốc phòng không tương thích. Thách thức còn đến từ việc tiêu chuẩn không thể đi trước công nghệ, vì công nghệ phát triển nhanh hơn rất nhiều.
Ông cũng bầy tỏ lo ngại rằng việc thí điểm nhiều nơi nhưng không làm tốt câu chuyện tiêu chuẩn sẽ tạo ra các "silos" – các hệ thống thông minh hoặc AI không nói chuyện được với nhau, dẫn đến một hệ thống tổng thể kém thông minh.
Đối mặt với những thách thức này, Tiến sĩ Long cho rằng khi xây dựng đô thị thông minh, các lãnh đạo cần có tầm nhìn hệ sinh thái và luôn gắn phát triển đô thị thông minh với phát triển kinh tế xã hội, hiểu rõ bản chất vấn đề thay vì chỉ chạy theo công nghệ, cần tập trung giải quyết những áp lực, những nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người dân.
Bình Dương đã chọn cách học tập từ các thành phố phát triển khác trên thế giới, tham gia các hiệp hội quốc tế để tìm những chuẩn mực phù hợp và có tính kết nối. Mô hình tam giác "Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp" được áp dụng để thúc đẩy sự phối hợp. Tiến sĩ Long nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc mở cửa, tạo không gian cho đổi mới sáng tạo, thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ, chỉ nên dồn lực kiểm soát những gì thật sự cần thiết.
Việc chia sẻ dữ liệu của nhà nước ngược lại cho doanh nghiệp và cơ quan khác là cách để dữ liệu tự đầy lên và tạo ra nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng. Nhà nước đóng vai trò trung lập, cung cấp nguồn lực và chính sách để tạo ra hệ sinh thái, thúc đẩy doanh nghiệp và trường viện cùng tham gia.
Ông Thắng đề xuất mô hình "3 Quy" bao gồm Quy hoạch, Quy trình/Quy định và Quy chuẩn. Về tiêu chuẩn, doanh nghiệp cần ý thức được vai trò chủ động của mình trong việc xây dựng tiêu chuẩn cho ngành, hiệp hội của mình để bảo vệ lợi ích. Cần phân loại rõ tiêu chuẩn kỹ thuật nên hài hòa quốc tế, còn tiêu chuẩn liên quan đến dữ liệu, văn hóa, đạo đức đặc thù của Việt Nam thì cần làm chủ.
Tiến sĩ Nghĩa phân biệt rõ tiêu chuẩn (tự nguyện, thúc đẩy innovation, liên thông) và quy chuẩn (bắt buộc, đảm bảo an toàn), khuyến nghị dùng tiêu chuẩn để đảm bảo liên thông quốc tế trong đô thị thông minh.
Việc xây dựng đô thị thông minh không thể tách rời câu chuyện tiêu chuẩn và quy chuẩn. Nó đòi hỏi một chiến lược rõ ràng với triết lý cốt lõi, một sự thay đổi trong cách tiếp cận của nhà nước, sự chủ động từ phía doanh nghiệp, và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên để tạo ra một hệ sinh thái kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cuối cùng là mang lại giá trị cho con người và xã hội.