Trong chỉ đạo mới nhất, NHNN yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí, ứng dụng số, phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay...
>>>Lãi suất liên ngân hàng vượt trần, áp lực tỷ giá ra sao?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024, Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 05/4/2024, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024, Thông báo kết luận số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024 và tiếp tục triển khai nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
>>>NHNN: Không thay đổi điều hành tỷ giá, cần thận trọng với tin đồn
Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Tích cực rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, chú trọng phát triển các sản phẩm tín dụng mới đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận các chương trình, chính sách của TCTD.
Tiếp tục đẩy mạnh tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Trước đó, liên quan đến kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ngày 27/5, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình này.
Đối với lãi suất, trên thị trường hiện có nhiều quan điểm khác về khả năng lãi suất có xu hướng điều chỉnh tăng về cuối năm, gây tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay trong +50-100 điểm cơ bản.
Thị trường cũng ghi nhận một loạt các ngân hàng vừa tăng tiếp lãi suất tiết kiệm. Theo đó, ABBank hiện đang là ngân hàng dẫn đầu về số lần tăng lãi suất huy động với 4 lần điều chỉnh trong tháng 5/2024. Lần điều chỉnh gần nhất ngày 27/5, lãi suất tiền gửi 12 tháng tại ngân hàng này đã thêm 1,1%/năm, lên 5,2%/năm.
Ngay trong ngày 30/5, HDBank cũng vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Cụ thể, HDBank đã điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm đối với kỳ hạn gửi 12 – 13 tháng và giữ nguyên tại các kỳ hạn khác. Trong đó, với hình thức gửi tiền tại quầy và nhận lãi cuối kỳ, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,4%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,3%/năm lên 5,5%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,7%/năm. Đây là lần thứ hai HDBank tăng lãi suất trong chưa đầy hai tuần qua.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng lớn đã áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới ở các kỳ hạn dưới 12 tháng từ 27/5. Với sản phẩm tiết kiệm thường, lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng đã nhích thêm 0,2%/năm, lên 2,6 - 2,85%/năm tùy theo số tiền gửi. Kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng tăng 0,1%/năm lên 2,9 – 3,15%/năm, kỳ hạn 6 – 11 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,8 –4,0%/năm. Techcombank giữ nguyên lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ở mức 4,5 - 4,7%/năm. Ngân hàng này đã có 2 lần tăng lãi suất riêng trong tháng 5.
Tại SHB, lãi suất huy động ghi nhận điều chỉnh tăng ở tất cả các kỳ hạn. Với kỳ hạn 6 tháng, SHB nâng lên thêm 0,3%/năm, đạt mức 4,5%/năm. Lãi suất cho kỳ hạn 7-8 tháng tăng thêm 0,2%/năm, lên 4,5%/năm. Với kỳ hạn 9-11 tháng, lãi suất lên mức 4,6%/năm. Kỳ hạn 12-36 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm. Hiện lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng là 5%/năm, 13-15 tháng là 5,1%/năm, 18 tháng là 5,3%/năm, 24 tháng là 5,6%/năm, và mức lãi suất cao nhất 5,9%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Đáng chú ý, sau 2 lần tăng lãi suất, VPBank đã cộng thêm 0,2% năm cho tất cả các kỳ hạn tiền gửi áp dụng từ ngày 16/5. Tiếp đó, ngày 19/5, VPBank gây bất ngờ khi tăng mạnh lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn. Kỳ hạn 1 tháng tăng 0,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,5%/năm, kỳ hạn 3-11 tháng tăng 0,6%/năm, kỳ hạn 12-13 tháng tăng 0,3%/năm và kỳ hạn 15-18 tháng tăng 0,1%/năm. Song đến 30/5, ngân hàng này đã lại điều chỉnh lãi suất về mức cũ trước 19/5. Điều này cũng gợi nhớ cú tăng sốc lãi suất huy động của Cake by VPbank trong quá khứ nhưng sau đó đã phải điều chỉnh.
Hàng loạt ngân hàng như MB, ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, HDBank, Cake by VPbank... cũng đã nâng lãi suất trong tháng 5, bao gồm một số NH điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài.
Đợt điều chỉnh liên tiếp trong tháng 5 nối tiếp các đợt điều chỉnh lãi suất huy đọngp của nhiều ngân hàng trong tháng tư như PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank...
Tuy nhiên cho đến nay, ngoại trừ VietinBank đã có đợt điều chỉnh lãi suất vào tháng 4, nhóm ngân hàng Big 4 Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank cơ bản vẫn giữ biểu lãi suất huy động thấp nhất lịch sử và thấp nhất hệ thống.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động đã về mức đáy và đang dần phục hồi nhẹ trở lại. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền Đồng cũng như diễn biến chính sách tiền tệ của Fed (ảnh hưởng đến chính sách ổn định tỷ giá và lãi suất của Việt Nam). Các chuyên gia cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục nhích nhẹ theo quý nhưng với quyết tâm/ chỉ đạo của NHNN, chuyện lãi suất vay bật tăng tương ứng chưa diễn ra.
Có thể bạn quan tâm