Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”; đồng thời khẳng định Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trong kỷ nguyên mới.
6 giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu suất thực hiện các dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa khu vực trong nước và nước ngoài.
Hai là cải cách về thể chế thông qua hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.
Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi các luật về Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư công - tư, và Đấu thầu. Đồng thời, sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm thúc đẩy nguồn cung hàng hóa có chất lượng, nâng cao thanh khoản của thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang chủ trì trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa tổng thể Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, và sửa đổi, bổ sung 7 luật gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất, nhập khẩu để khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế.
Ba là thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán ngay trong năm 2025. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia thị trường. Chúng tôi đang yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung hàng hoá…
Bốn là đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư: Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua (i) đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư; (ii) đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường; và (iii) nghiên cứu xem xét các chính sách thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán theo đúng bản chất hoạt động của quỹ đầu tư để thúc đẩy đầu tư qua các định chế tài chính chuyên nghiệp này.
Năm là khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút vốn FDI thông qua: (i) Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính; (ii) Đẩy mạnh hợp tác công tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo,…; (iii) Ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các các dự án có sức lan tỏa, lắng nghe các kiến nghị từ doanh nghiệp để xử lý khó khăn; (iv) Tạo sự gắn kết giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, UBCKNN đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…" - Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương
Sáu là Bộ Tài chính sẽ duy trì đối thoại chính sách để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất giải pháp xử lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã khuyến nghị các quỹ đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Hội nghị: (1) xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường tại Việt Nam; (2) chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh; (3) thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách với người lao động và kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách phù hợp.
Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng có sự tham dự của gần 400 đại biểu là Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các định chế tài chính, các thành viên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có 150 đại biểu nước ngoài là đại diện các đại sứ quán, tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới, các doanh nghiệp FDI thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Hội nghị, bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài bao gồm thông qua thị trường vốn (FII), và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa đã qua đã được nhận diện. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2024, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm 20,7% tổng số nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả ấn tượng này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, GDP năm 2024 đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nêu trên nhưng đối với quỹ đầu tư chứng khoán vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, đối với hoạt động đầu tư trực tiếp vẫn còn những vướng mặc về thủ tục hành chính, thuế, hải quan và ngoại hối...
Hội nghị đã thảo luận và kiến nghị các giải pháp chính để phát triển hệ thống quỹ đầu tư để khơi thông nguồn lực trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, gồm: (i) tiếp tục duy trì sự ổn định của các chính sách kinh tế vĩ mô; (ii) sớm nâng hạng thị trường; (iii) đa dạng hóa các sản phẩm có chất lượng trên thị trường, trong đó có sự phát triển thị trường trái phiếu, tăng cường hoạt động chào bán ra công chúng đặc biệt của các tập đoàn lớn, phát triển thị trường phái sinh, tăng cường quản trị công ty; (iv) Phát triển các định chế để hỗ trợ sự phát triển của thị trường theo hướng minh bạch và ổn định như xếp hạng tín nhiệm, bảo lãnh cho việc phát hành trái phiếu, hệ thống các doanh nghiệp kiểm toán và định giá...(v) phát triển hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện và tăng cường tuyên truyền, đào tạo các nhà đầu tư để định hướng các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ đầu tư, cũng như nghiên cứu để nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, chủ đề phiên thứ hai của Hội nghị tập trung vào nội dung thu hút FDI vào Việt Nam. Bộ Tài chính nhấn mạnh việc Việt Nam đang chuẩn bị kỹ lưỡng để đón làn sóng đầu tư mới với chiến lược và giải pháp cụ thể. Bên cạnh việc ban hành các cơ chế, chính sách mới để tạo động lực thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ phát triển quỹ đất cùng hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động, phát triển hạ tầng năng lượng cũng như công nghiệp phụ trợ. Nhiều ý kiến, chia sẻ từ đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và Singapore, Quỹ đầu tư Warbug Pincus, các Tập đoàn Google và SK Hàn quốc về xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu và cơ hội thu hút đầu tư chất lượng cao cho Việt Nam, đặc biệt vào các lĩnh vực năng lượng, bán dẫn, công nghệ cao tại Việt Nam đã được trình bày. Đặc biệt tại sự kiện Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhấn mạnh cam kết của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sẽ tiếp tục đầu tư hơn vào Việt Nam.
Hội nghị ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống các quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài thu hút nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong kỷ nguyên phát triển mới.
Bộ Tài chính cho biết trên cơ sở kết quả Hội nghị, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền về chủ trương và thể chế để góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển giàu mạnh, bền vững trong Kỷ nguyên mới.