Đại diện các công ty quản lý quỹ đầu tư kiến nghị Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của quỹ đầu tư...
Chia sẻ tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức, ông Don Lam, nhà đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital (đơn vị quản lý tổng tài sản hơn 3,7 tỷ USD), nhận định, hiện nay, các quỹ đầu tư tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc huy động vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Don Lam, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chiếm tới 90% tổng số nhà đầu tư. Đa số trong nhóm này tham gia thị trường theo hướng tự mua bán, lướt sóng ngắn hạn thay vì đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Thực trạng này khiến thị trường thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông và không đảm bảo định hướng đầu tư dài hạn.
Để nâng cao tính bền vững của thị trường tài chính, Tổng Giám đốc VinaCapital cho rằng cần thay đổi nhận thức và hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khuyến khích họ tham gia vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Việc đầu tư vào quỹ giúp giảm thiểu rủi ro, tận dụng được chuyên môn của các nhà quản lý quỹ, đồng thời mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn so với việc giao dịch ngắn hạn theo cảm tính.
Theo đó, ông Don Lam kiến nghị các giải pháp:
Thứ nhất, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường giáo dục và truyền thông về lợi ích của đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Cần cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về hoạt động, hiệu quả của các quỹ cũng như lợi ích mà nhà đầu tư có thể nhận được.
Thứ hai, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của quỹ đầu tư, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, như quỹ đầu tư vào hạ tầng hoặc doanh nghiệp tư nhân. Điều này không chỉ giúp thu hút thêm nhà đầu tư mà còn góp phần huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế, ông Don Lam bày tỏ.
Thứ ba, bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ sự phát triển của thị trường quỹ đầu tư. "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan cần đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho các quỹ hoạt động hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và nâng cao tính minh bạch của thị trường", Tổng Giám đốc VinaCapital kiến nghị.
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ bên lề Hội nghị, đồng thuận quan điểm dù ngành quỹ tại Việt Nam còn khá non trẻ, với lịch sử chỉ hơn 20 năm hình thành và phát triển, nhưng trong những năm gần đây, lĩnh vực này đã có những bước tiến đáng kể nhờ sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
"Các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý và triển khai các đề án phát triển nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành. Đáng chú ý, sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm quỹ ngày càng gia tăng, thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm qua", bà Ngọc Anh cho biết.
Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ, theo TGĐ SSIAM, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
Trước hết, việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết, trong đó cần tháo gỡ các rào cản pháp lý nhằm tạo điều kiện để các quỹ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường chứng khoán, bao gồm hoạt động IPO, phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát triển các sản phẩm phái sinh. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế dành cho các quỹ đầu tư và nhà đầu tư dài hạn cần được xây dựng, giúp khuyến khích hình thành thói quen đầu tư dài hạn và ổn định dòng vốn.
Ngoài ra, công tác đào tạo, tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về vai trò và lợi ích của các sản phẩm quỹ, từ đó giúp gia tăng niềm tin và mức độ tham gia của nhà đầu tư vào thị trường quỹ. Đồng thời, các quỹ cần có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động phát hành và đầu tư của doanh nghiệp, góp phần định hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư dài hạn, hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đối với câu hỏi về vai trò của trung tâm tài chính quốc tế trong huy động nguồn lực, vốn đầu tư, bà Ngọc Anh nhấn mạnh:
Một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực. Để đạt được điều này, Việt Nam cần tập trung nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, từ đó thu hút nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm quốc tế là yếu tố then chốt, đòi hỏi các chính sách tháo gỡ rào cản về giấy phép và công nhận bằng cấp quốc tế để thu hút nhân tài.
Cuối cùng, theo bà Ngọc Anh, việc hoàn thiện khung pháp lý cho phép doanh nghiệp nước ngoài niêm yết và huy động vốn tại Việt Nam, cũng như phát triển các sản phẩm tài chính xuyên biên giới, sẽ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực tài chính quốc tế, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn và ngành quỹ trong thời gian tới.