Chứng khoán

Chủ tịch UBCKNN: Ngành Quỹ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa mở rộng

Lê Mỹ 28/03/2025 11:00

Ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.

Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN, SSC) Vũ Thị Chân Phương tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức.

Theo Chủ tịch UBCKNN, với quyết tâm đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn bộ hệ thống chính trị đang đặt ra những mục tiêu tăng trưởng rất cao, gắn với chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, phải phát huy hơn nữa vai trò kênh dẫn vốn chủ lực trung và dài hạn.

Vu Thi Chan Phuong
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC

Sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán đã tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế thời gian qua. Hiện nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường.

"Không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, với tư cách là nhà đầu tư chiến lược, còn góp phần nâng cao chuẩn mực quản trị và minh bạch tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô", bà Phương khẳng định.

Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.

Đối với các tổ chức quỹ đầu tư, lãnh đạo SSC cũng nhấn mạnh, trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm. Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư, bà Phương nói.

Việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn. Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng… sẽ không chỉ tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Lãnh đạo UBCKNN cũng cho biết để đạt mục phát triển ngành quỹ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý đang triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp về quỹ đầu tư chứng khoán. UBCKNN đang xây dựng Đề án Đào tạo nhà đầu tư nhằm phát huy mọi nguồn lực từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường, giúp thay đổi thói quen tự đầu tư sang đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp, từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn, ổn định.

Thứ hai, thực hiện đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư.

Hiện nay, pháp luật chứng khoán đã quy định các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán gồm: quỹ ETF, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, UBCKNN đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…

Thứ ba, đa dạng hóa các bộ chỉ số chứng khoán.

UBCKNN đã chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu thay đổi Quy chế chỉ số hiện hành nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phát triển các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ chế mới cho phép các thành viên thị trường có thể thiết kế và đề xuất các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Thứ tư, phát triển hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

UBCKNN đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung hàng cho các quỹ. Cụ thể như: thúc đẩy DN cổ phần hóa lên niêm yết, đưa hàng hóa mới chất lượng lên thị trường,… giải pháp gắn IPO với niêm yết đã được bổ sung vào dự thảo Nghị định 155 trình Chính phủ, xây dựng cơ chế phát hành trái phiếu cho các dự án PPP. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang phối hợp với các thành viên thị trường và chuyên gia để nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm đầu tài chính bền vững như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững và thị trường tín chỉ các-bon.

Bên cạnh đó, cơ chế phát hành chứng chỉ lưu ký đã được ban hành, các hướng dẫn về kỹ thuật đã được hoàn thiện, giúp công ty Việt Nam có thể phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) trên thị trường quốc tế, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài.

Thứ năm, nâng hạn mức đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán.

UBCKNN đang dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 98/2020/TT- BTC theo hướng nâng hạn mức đầu tư của quỹ vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (dự kiến 15%-20%).

Mặt khác, để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán, UBCKNN tiếp tục thực hiện các giải pháp như:

Tăng cường việc tiếp cận thông tin cho NĐTNN thông qua việc yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh; đồng thời, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN nhanh chóng tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán; xây dựng cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở và đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động.

Ngoài ra, để phát triển ngành quỹ, UBCKNN đề xuất với các cơ quan liên quan về việc phân phối chứng chỉ quỹ để đa dạng hóa các kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân; đồng thời có các chính sách thuế phù hợp, khuyến khích người dân tham gia đầu tư thông qua quỹ đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch UBCKNN: Ngành Quỹ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO