"Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp: Minh bạch và công bằng thông tin"

Thảo Hiền, Phương Hằng, Trang Hà, Thanh Thành, Long Ngọc 14/06/2019 14:00

Đó là chủ đề của cuộc Tọa đàm trực tuyến do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, để các bên liên quan chia sẻ quan điểm, đề xuất giải pháp giúp thị trường kinh doanh đa cấp phát triển lành mạnh.

a

Toàn cảnh Tọa đàm: "Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp - Minh bạch và công bằng thông tin"

Kinh doanh đa cấp bắt đầu du nhập vào thị trường Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21. Để hoà nhập với xu hướng chung của thế giới cũng như đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam, hành lang pháp lý về kinh doanh đa cấp đã dần được hình thành.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, do các quy định và chế tài quản lý còn khá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp đã phát triển và biến tướng theo chiều hướng xấu. Hiện tượng lợi dụng lòng tin của người tham gia đa cấp để lừa đảo đã liên tục diễn ra gây tác hại lớn cho nền kinh tế và bức xúc trong nhân dân.

Nhằm tuyên truyền, cảnh báo, hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan báo chí, truyền thông tại Việt Nam đã vào cuộc và liên tục đưa tin, đăng bài phản ánh các hoạt động của các công ty kinh doanh đa cấp.

Ngày 12/03/2018, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, đưa lĩnh vực này về chuyên nghiệp, bài bản và minh bạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Mặc dù hoạt động kinh doanh đa cấp thời điểm này đã đi vào hoạt động khá ổn định, tuân thủ pháp luật và công khai, tuy nhiên những thông tin về loại hình hoạt động đặc thù này vẫn khá dè dặt, thiếu công khai minh bạch khiến nhiều phương tiện truyền thông, báo chí thiếu thông tin, đưa tin chưa đúng và một chiều, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn chân chính.

Với mong muốn tìm giải pháp cung cấp và khai thác thông tin minh bạch, khách quan, tạo sự bình đẳng và công bằng giữa các cơ quan báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2019, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp - Minh bạch và công bằng thông tin" vào chiều ngày 14/6/2019 tại Hội trường tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

a

Toạ đàm này là dịp để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và người dân hiểu rõ hơn về hình thức kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Tham dự Toạ đàm có: Bà Hà Kim Chi - Phó Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Vũ Minh Phương – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế - Cục Phát thanh Truyền hình (Bộ TT&TT); Bà Nguyễn Doãn Thùy Linh - Đại diện Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo TW); Ông Phạm Văn Cao - Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi Cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công thương); Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh; Bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam; Ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam; Ông Phạm Đăng Khoa - TGĐ Công ty TNHH Thương mại Lô Hội; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên Tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Nhà báo Nguyễn Thiêm - Phó Ban Chuyên đề Báo Công an Nhân dân; Nhà báo Phạm Tuyên - Trưởng Ban Kinh tế Báo Tiền Phong; Nhà báo Hoàng Diệu Anh; Thư ký Tòa soạn Báo Thanh tra…

Phát biểu tại Toạ đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, hiện nay đang có 67 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên thời gian vừa qua, các hoạt động đa cấp đang được hiểu chưa rõ ràng. Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là “chộp giật”, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, trong khi bộ phận doanh nghiệp này thực tế có nhưng không phải là tất cả. Do đó, Toạ đàm này là dịp để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và người dân hiểu rõ hơn về hình thức kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

a

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Đánh đồng "đa cấp" và "đa cấp bất chính"

Trước dư luận còn nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp đa cấp là làm ăn không chính đáng, “chộp giật”, bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết: "Sở dĩ trước đây có nhiều bài báo đăng tải, lên án ngành nghề đa cấp là do giữa doanh nghiệp và báo chí chưa thực sự hiểu nhau".

Con số thống kê cho thấy, năm 2017 doanh thu của ngành là 8.000 tỷ đồng. Năm 2018, mặc dù có một số doanh nghiệp bị khai trừ hay cắt giấy phép và chỉ còn 24 doanh nghiệp hoạt động nhưng doanh thu vẫn hơn 10.000 tỷ đồng.

a

Bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam 

“Thực tế phải thừa nhận vẫn còn một số doanh nghiệp làm ăn chưa minh bạch, nhưng khi báo chí đăng tải thông tin lại không nêu rõ tên công ty mà chỉ nói chung về ngành nghề đa cấp dẫn tới nhiều người còn chưa hiểu cụ thể và chưa sáng tỏ, đánh đồng giữa doanh nghiệp đa cấp và doanh nghiệp đa cấp bất chính. Do đó, mối quan hệ giữa báo chí và các doanh nghiệp đa cấp là cần thiết thực sự hiểu nhau trong thời gian tới”- bà Nhi nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Cao - Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi Cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công thương)cho rằng,trước đây, việc báo chí đưa tin về hoạt động đa cấp chưa đúng là có lý do bởi nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do kinh doanh đa cấp bất chính.

a

Ông Phạm Văn Cao - Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi Cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công thương)

Theo ông Cao, hiện tại vẫn có một sự nhầm lẫn về mặt thuật ngữ giữa bán hàng đa cấp và bán hàng đa cấp bất chính bởi đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

“Thực tế cho thấy, khi nói về vấn đề kinh doanh đa cấp bất chính, nhiều người chỉ dùng một cụm từ chung chung là bán hàng đa cấp nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính bị ảnh hưởng”, ông Cao nhìn nhận.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam chia sẻ, có 2 loại công ty, đó là công ty đa cấp chân chính và bất chính. Trước đây, khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP (Nghị định 40) về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa ra đời thì số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa cấp là 67 doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi Nghị định 40 ra đời, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chỉ còn có 23.

Ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam

Ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam

Theo quan điểm của ông Sơn, không phải tất cả 44 doanh nghiệp còn lại đều là bất chính, mà chỉ có khoảng 2/5 trong số này là kinh doanh đa cấp bất chính. Trong số đó, có những doanh nghiệp không muốn đầu tư, kinh doanh nữa nên chọn cách rút khỏi thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng, những quy định, tiêu chuẩn của Nghị định 40 đòi hỏi rất cao, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tồn tại được. Bởi vậy, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này giảm cũng là điều dễ hiểu. 

Chia sẻ về việc truyền thông hiện nay, ông Sơn cho rằng, thường khi nhắc đến doanh nghiệp đa cấp báo chí hay chỉ nói về những mặt trái của ngành mà ít đề cập những câu chuyện kinh doanh đa cấp chân chính. Trong khi đó, rõ ràng với những doanh nghiệp đa cấp làm ăn bất chính thì việc cung cấp thông tin là không đầy đủ và chưa rõ ràng. Do đó, việc đưa tin từ phía báo chí cũng sẽ chưa chính xác được.

Ông Sơn thông tin thêm, đa cấp là mô hình kinh doanh tiên tiến có lịch sử hơn 60 năm trên toàn thế giới. Mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động giảm nhưng doanh thu vẫn tăng liên tiếp thậm chí là tăng kỷ lục trong giai đoạn từ năm 2016-2018.

Bên cạnh đó, mô hình này hoàn toàn tiên tiến áp dụng trên toàn thế giới từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...

Trước những hạn chế về việc cung cấp thông tin, ông Sơn thừa nhận rằng, các doanh nghiệp đa cấp hiện nay chưa chủ động cung cấp thông tin về sự phát triển của ngành trên thế giới.  Tuy nhiên, việc này sẽ sớm được khắc phục khi Nghị định 40 ra đời đã yêu cầu các công ty phải có hệ thống CNTT và web minh bạch, cập nhật thông tin đầy đủ.

Ông Sơn lấy ví dụ, Amway thông tin thường câp nhật 1 tuần/lần, đó là những thông tin liên quan đến nhà phân phối, truyền thông, quan hệ Chính phủ, email, điện thoại, người liên lạc….

“Hy vọng với sự minh bạch như vậy, khi người dân cũng như các cơ quan báo chí có bất cứ thắc mắc nào đều sẽ được giải đáp” - ông Sơn bày tỏ.

Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến các bài báo phản ánh về doanh nghiệp đa cấp đều mang gam màu u tối? Nhà báo Nguyễn Thiêm - Phó Ban Chuyên đề Báo Công an Nhân dân băn khoăn, một mô hình kinh doanh rất tiên tiến của thế giới với 60-70 năm lịch sử xuất phát từ Mỹ, vậy mà khi về Việt Nam đã bị biến tướng.

a

Nhà báo Nguyễn Thiêm - Phó Ban Chuyên đề Báo Công an Nhân dân

“Một thời gian dài, người dân chưa nhận thức được đặc thù và cơ quan nhà nước chưa nhìn ra sự bất cập của loại hình kinh doanh này. Ví dụ như vụ MB 24 – hoạt động bán hàng trên mạng mà chúng tôi tiếp cận từ cơ quan điều tra, khi tiếp xúc điều tra mới thấy rất nhiều người tham gia còn sử dụng máy tính không thành thạo. Như vậy, rõ ràng lỗi đầu tiên từ các doanh nghiệp không cung cấp chính xác thông tin hoàn chỉnh cho người tham gia” – nhà báo Thiêm nhìn nhận.

Theo đó, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin về lợi nhuận "khủng" của các mô hình kinh doanh để lôi kéo nhiều người tham gia. Việc thiếu thông tin gây ra hậu quả những vụ lừa đảo quy mô lớn, do đó, khi báo chí tiếp cận thì thấy toàn bất cập. “Chúng tôi về những vùng quê mà rơi nước mắt vì những nạn nhân lâm cảnh khốn cùng, có người 60 tuổi tích cóp cả đời lại mất hết vốn liếng vào đa cấp”, nhà báo Thiêm chia sẻ.

Vì vậy, yêu cầu trước tiên là doanh nghiệp phải rất minh bạch, cung cấp cho tất cả người tham gia khi tham gia phải có kiến thức như thế nào, chuẩn bị tiềm lực ra sao, chứ không chỉ tuyền truyền về lợi nhuận khủng như hiện nay.

Trước câu hỏi, đã bao giờ Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận được những phản ánh của doanh về việc các cơ quan báo chí phản ánh sai sự thật về doanh nghiệp đa cấp hay chưa? Ông Vũ Minh Phương, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Phát thanh Truyền hình (Bộ TT&TT) cho biết, mặc dù có ghi nhận một vài trường hợp, tuy nhiên, các doanh nghiệp đó không có cơ sở để chứng minh được rằng hoạt động của mình là đúng. Vì vậy, thường thì sẽ không có xử lý được. 

a

Ông Vũ Minh Phương, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Phát thanh Truyền hình (Bộ TT&TT)

“Vì vậy, chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới phía Cục Quản lý cạnh tranh cũng nên có thông tin minh bạch về những doanh nghiệp cấp phép kinh doanh đa cấp để cơ quan báo chí nắm bắt được những thông tin này” - ông Phương nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của bà Hà Kim Chi - Phó Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, sản phẩm của các công ty đa cấp không xấu và bản thân cũng có đang sử dụng sản phẩm của công ty đa cấp. Bà Chi cho rằng, vấn đề nằm ở những người đi tư vấn và việc tổ chức hội thảo của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Những người này khi nói chuyện như "rót mật vào tai" và nhắm vào các đối tượng là các em sinh viên có hoàn cảnh xuất thân từ những gia đình nông thôn, điều kiện khó khăn nên rất dễ bị sa chân vào.

a

Bà Hà Kim Chi - Phó Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam

“Loại hình kinh doanh đa cấp bất chính đã khiến nhiều người rơi vào tình cảnh đã nghèo khó nay còn nghèo khó hơn” - bà Hà Kim Chi chia sẻ và cho rằng: “Hy vọng qua tọa đàm hôm nay, chúng ta cùng nhìn nhận rõ ràng hơn thế nào là doanh nghiệp đa cấp và doanh nghiệp đa cấp bất chính, làm sao để các nhà báo có đầy đủ thông tin để tuyên truyền cho đúng”.

Trước câu hỏi: Liệu có hay không cơ quan báo chí tiếp tay cho hoạt động này? Nhà báo Phạm Tuyên – Phó Trưởng ban Kinh tế Báo Tiền Phong cho rằng, rất khó để kết luận, nhưng dấu hiệu tiếp tay thì có. Ví dụ có trường hợp báo chí đăng bài chỉ rõ dấu hiệu lừa đảo nhưng sau đó lại có tình trạng đăng ngược lại thông tin đó.

a

Nhà báo Phạm Tuyên – Phó Trưởng ban Kinh tế Báo Tiền Phong

Ngoài ra, nhà báo Phạm Tuyên cũng chỉ ra thực trạng, có một số công ty đặt vấn đề quảng cáo với nhiều tờ báo khác nhau.

Ở khía cạnh khác, ông Tuyên cho rằng, việc tiếp tay cho đa cấp một phần liên quan đến sự buông lỏng quản lý của các cơ quan quản lý. “Có những trường hợp lừa đảo trong nhiều năm liền mà không thấy xử lý, tại sao?” – nhà báo Tuyên đặt câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh chia sẻ, ông đã có nhiều năm làm việc liên quan tới các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, đã thụ lý với nhiều nạn nhân, nhưng đây là lần đầu tiên Hiệp hội Bán hàng đa cấp chia sẻ thông tin. "Đây là điều đáng mừng, bởi thông tin tiêu cực đang làm mô hình kinh doanh đa cấp trở lên xấu xí, người dân nghe thấy là chạy. Nguyên nhân trước hết là do bản thân doanh nghiệp” - ông Truyền nhìn nhận.

a

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh

Theo đó, ông Truyền cho rằng, Hiệp hội Bán hàng đa cấp cần có hoạt động tuyên truyền tích cực hơn. “Mỗi khi có sự việc liên quan doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, Hiệp hội cần nhanh chóng đưa ra những thông báo từ Hiệp hội về thông tin doanh nghiệp đó: Doanh nghiệp đó từ đâu, như thế nào, có thuộc Hiệp hội không… Không để hình ảnh mô hình kinh doanh này méo mó”, ông Truyền nói thêm.

Theo ông Truyền, hiện nay, doanh thu từ doanh nghiệp đa cấp đã rất cao, mức 10.000 tỷ năm 2018 là rất đáng khích lệ. Doanh nghiệp cần chuẩn mực ngay từ những người đào tạo hoạt động đa cấp. Điều 34 Nghị định 40 quy định về quyền người được đào tạo hoạt động đa cấp, những người tham gia vào bán hàng đa cấp cần được đào tạo về kiến thức luật cũng như đạo đức bán hàng đa cấp.

Nghị định 40 nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh đa cấp

Ông Phạm Văn Cao - Trưởng phòng Điều tra và xử lý hành vi Cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng - Bộ Công thương) cho biết, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Nghị định ra đời đã khắc phục những hạn chế về hành lang pháp lý. Tuy nhiên, nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh đa cấp, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP với nhiều điều kiện kinh doanh khắt khe hơn, khó khăn hơn và nâng cao hơn. 

Theo đó, Nghị định 40 tập trung vào những điểm mới ví dụ như các doanh nghiệp hoạt động đa cấp đều phải có website thông tin về sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm, có hệ thống công nghệ thông tin, thông tin về việc mua bán giao dịch, phát sinh hoa hồng như thế này? Đồng thời mọi hoạt động mua bán, chi trả đều phải chuyển khoản qua ngân hàng, yêu cầu các bên phải thường xuyên mua bán hàng hoá. Cụ thể, nếu đại lý có chuyển tiền trong thời hạn 30 ngày doanh nghiệp phải chuyển hàng, nếu không chuyển hàng thì phải trả lại tiền và huỷ giao dịch đó…

Một trong những điểm mới khác của Nghị định 40 đó là, nếu trước đây quy định chế tài chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp thì đã bổ sung thêm chế tài đối với các nhà phân phối.

Những điểm mới của Nghị định 40 góp phần cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như để tăng ý thức của người dân.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Cao cũng cho biết, hiện nay cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng đang có một website cung cấp thông tin về doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh, danh mục hàng hoá, sản phẩm, cập nhật thường xuyên thông tin để cơ quan báo chí và người dân có thể tham khảo và chia sẻ thông tin.   

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam: “Các quy định của Việt Nam về bán hàng đa cấp đang khó nhất thế giới, nhưng chúng tôi cũng ủng hộ Bộ Công Thương khi cho ra đời Nghị định 40”.

Theo đó, Nghị định đã thống nhất khái niệm về hoạt động kinh doanh đa cấp. Cùng với đó, theo quy định của Nghị định này, tất cả các doanh nghiệp đều phải có chương trình trả thưởng đăng ký với Bộ Công Thương.

Đặc biệt, nhà phân phối phải đáp ứng yêu cầu đào tạo như chương trình đào tạo cơ bản dành cho người tham gia bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng. Tất cả những yêu cầu đó làm thị trường trở lên minh bạch.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, hiện báo chí đang bị nhầm lẫn giữa cụm từ bán hàng đa cấp và bán hàng theo phương thức đa cấp.

“Có hình thức tại những địa phương, có một đoàn đến tổ chức các buổi bán hàng. Với những sự kiện bán hàng như vậy, báo chí cũng quy là hoạt động bán hàng đa cấp nói chung. Hay có nhiều công ty bán tiền ảo cũng không nằm trong nhóm đối tượng của Nghị định 40 nhưng đều bị quy ra là bán hàng đa cấp. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan báo chí đưa ra khái niệm chuẩn xác hơn để doanh nghiệp bán hàng đa cấp không bị mang tiếng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ở góc độ cơ quan báo chí, Nhà báo Diệu Oanh - Thư ký Toà soạn Báo Thanh Tra cho biết, thực tế hoạt động kinh doanh đa cấp do đã có nhiều biến tướng nên nó đã ghim sâu vào trong suy nghĩ của nhiều người là không tốt, lừa đảo. Vì vậy, để thay đổi được nhận thức, thì trước tiên việc công bố thông tin của doanh nghiệp phải công khai, minh bạch, kịp thời.

Nhà báo Diệu Oanh - Thư ký Toà soạn Báo Thanh Tra

Nhà báo Diệu Oanh - Thư ký Toà soạn Báo Thanh Tra

Bên cạnh đó, hiệp hội và các doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức truyền thông, đó là phải truyền thông một cách bài bản đến cơ quan quản lý nhà nước, người dân và báo chí.  

Trước câu hỏi rằng, một cá nhân có thể mở mạng lưới hoạt động đa cấp? Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, trên thực tế, cá nhân chính là người có khả năng tạo nên một hệ thống, họ chỉ cần dùng một tài khoản mạng xã hội là có thể tuyển đại lý khắp nơi trên toàn quốc. Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã quản lý những cá nhân như thế này, tức những cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ông Truyền nói thêm, “về thuật ngữ đa cấp thì đây là thuật ngữ xuất phát từ tư duy khi xây dựng các chính sách liên quan đến việc quản lý việc kinh doanh đa cấp, tuy nhiên, tư duy này lại bỏ quên mất đối tượng là người tiêu dùng. Do đó, tôi cho rằng chúng ta phải dùng thuật ngữ bán hàng trực tiếp thì đầy đủ hơn, bao trùm hơn”.

“Nghị định 40 đã tạo ra một hành lang pháp lý đủ tốt để quản lý loại hình doanh nghiệp đa cấp không?” – Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng hỏi thêm.

Trả lời câu hỏi này, bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, Nghị định 40 so với hiện tại là rất đầy đủ bởi Nghị định 40 đã quản lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp một cách trực tiếp.

“Ví như công ty A kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp tại Việt Nam thì anh phải có máy chủ ở Việt Nam. Với việc đặt máy chủ này thì cơ quan quản lý có thể dễ dàng hơn trong việc quản lý doanh nghiệp” – bà Nhi phân tích.

Liên quan tới câu chuyện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đa cấp cần làm gì để hỗ trợ thông tin chính xác cho các cơ quan truyền thông, Nhà báo Nguyễn Thiêm - Phó Ban Chuyên đề Báo Công an Nhân dân cho rằng, trách nhiệm phải từ từng doanh nghiệp và hiệp hội, phải truyền thông đầy đủ hoạt động đa cấp của doanh nghiệp, bởi 10 năm qua hình ảnh của hoạt động đa cấp đã hằn sâu với gam màu tối.

Nhà báo Phạm Tuyên cho biết thêm, thời gian vừa qua có một số doanh nghiệp chỉ có nhu cầu đẩy nhanh tiên độ bán hàng, lợi nhuận cao rồi rút khỏi thị trường. Nhưng cũng có những doanh nghiệp xác định bám chân ở Việt Nam thời gian lâu dài, các doanh nghiệp này sẽ truyền thông bài bản hơn, cung cấp thông tin cho báo chí và dư luận đầy đủ hơn. Khi báo chí có các thông tin đầy đủ sẽ truyền thông chính xác hơn.

a

Các chuyên gia đều đồng tình rằng, Nghị định 40 đã tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý loại hình doanh nghiệp đa cấp 

Trả lời câu hỏi của Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng: “Anh/chị có đề nghị gì với cơ quan báo chí, để báo chí có những phản ánh đúng hơn, thực chất hơn với hoạt động kinh doanh đa cấp?”, bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi rất cần sự hợp tác cùng các báo chí. Chúng tôi mong muốn báo chí hiểu hơn về công ty, từ đó có thể tuyên truyền đúng về các hoạt động kinh doanh đa cấp”.

Còn ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam cho rằng, định nghĩa “kinh doanh đa cấp” không thể thay đổi trong một sớm một chiều. “Chúng tôi tự hào về ngành bán hàng đa cấp này. Chúng tôi cũng mong muốn thay đổi quan điểm của rất nhiều người Việt Nam về ngành bán hàng đa cấp”. - ông Sơn nói.

Nhà báo Phạm Tuyên – Phó Trưởng ban Kinh tế Báo Tiền Phong chia sẻ, nếu nói một cách chính xác và công tâm thì Amway là một trong những doanh nghiệp đưa được thông tin đa chiều nhất. Cá nhân tôi và Báo Tiền Phong phải khẳng định rằng không “dung túng” cho các thông tin liên quan đến hoạt động trái phép trong đa cấp.

Bà Hà Kim Chi cho rằng, khi phản ánh các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp các nhà báo cần phải công tâm, không vụ lợi và thông tin phải rõ ràng, minh bạch, công bằng nghiêm chỉnh theo pháp luật và quy định về đạo đức nghề nghiệp trong Luật Báo chí. 

Trước khi đăng tải thông tin cần xác minh thông tin, rành mạch, và phân biệt giữa việc đưa tin tức phản ánh, hoặc ý kiến cá nhân, giúp doanh nghiệp phát triển. Trong trường hợp khi có vướng mắc cần có trao đổi đến cùng để giải quyết vấn đề. Qua đây bà Hà Kim Chi cũng mong danh nghiệp mở lòng hơn đối với báo chí.

Ông Vũ Minh Phương cho rằng, trong trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có những phản ánh về thông tin báo chí chưa đúng sự thật thì cần có căn cứ và bằng chứng để cơ quan quản lý xem xét và giải quyết các trường hợp này.   

a

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (thứ hai từ trái sang) cho rằng, hiệp hội có thể tập trung tâm giải quyết khiếu nại với người tham gia, cập nhật thông tin; đảm bảo yếu tố phản hồi, đảm bảo giám sát và giải trình, nếu phản hồi được đầy đủ thì báo chí mới thông tin được.

“Nhà báo Phạm Tuyên - Trưởng Ban Kinh tế Báo Tiền Phong từng chia sẻ với chúng tôi cứ nghe đa cấp là không đăng tin bài thì vô cùng đáng tiếc. Chúng tôi muốn doanh đa cấp chân chính được đối xử công bằng, bởi trên thực tế việc doanh nghiệp đa cấp bị thanh tra là chuyện hết sức bình thường nhưng một số báo thì giật như là “Doanh nghiệp đa cấp bị sờ gáy”, “Ông lớn đa cấp bị sờ gáy”… điều này vô tình ảnh hưởng không tốt đến chúng tôi bởi nhiều khi không phải lỗi của doanh nghiệp mà chỉ dấu hiệu thôi” – ông Sơn chia sẻ thêm.

Phát biểu kết thúc toạ đàm, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng, báo chí chỉ lên tin khi có thông tin, hiệp hội có thể tập trung tâm giải quyết khiếu nại với người tham gia, cập nhật thông tin; đảm bảo yếu tố phản hồi, đảm bảo giám sát và giải trình, nếu phản hồi được đầy đủ thì báo chí mới thông tin được.

“Có lẽ việc thay đổi chữ đa cấp sẽ khó, nhưng cần nhiều thời gian. Ngay trong những cái tệ nhất cũng có những điểm rất sáng. Ngay từ bây giờ doanh nghiệp phải sẵn sàng thông tin cho dư luận thấy thông qua Hiệp hội để lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng”, ông Truyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Báo chí với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp: Minh bạch và công bằng thông tin"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO