Bình Phước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn là điểm đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, Bình Phước đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Bình Phước đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn là điểm đến đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cho biết, thời gian qua, Bình Phước đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian gần đây tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và sự tin tưởng cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh. 10 tháng năm 2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8,89% so với cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 9,94%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,18%... . Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 46,10%; sản xuất kim loại tăng 19,86%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 18,71%...
10 tháng năm 2023, Bình Phước có 884 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là 12.887 tỷ đồng; số doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại là 304 doanh nghiệp. Tính đến ngày 14/10/2023, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 11.522 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 197.414,10 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trong nước, 10 tháng đầu năm đã thu hút được 13 dự án, với tổng vốn là 2.847 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 12 dự án, với tổng vốn tăng là 1.470 tỷ đồng. Tính đến ngày 14/10/2023 toàn tỉnh có 1.209 dự án với số vốn 119.669,76 tỷ đồng.
Trong thu hút FDI, 10 tháng đầu năm, đã thu hút được 41 dự án với tổng số vốn là 708,807 triệu USD. Đặc biệt, trong tháng 5/2023, tỉnh Bình Phước đã cấp phép cho dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam) cho Nhà đầu tư Shandong Haohua Tire, thuộc Tập đoàn Haohua, với mức đầu tư 500 triệu USD, đưa Bình Phước vào danh sách top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất nước 6 tháng đầu năm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 406 dự án FDI với số vốn đầu tư là 4.196,38 triệu USD.
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Phước giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Với lợi thế đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ cùng với nguồn lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng,…Bình Phước đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Với phương châm “luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, Bình Phước đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm gặp gỡ, giới thiệu tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiềm năng và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh dành cho các doanh nghiệp. Đồng thời, luôn đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời, dứt điểm các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, triển khai đầu tư xây dựng dự án…
Theo ông Võ Sá, để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, Bình Phước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số ... Đặc biệt, tỉnh đã tập trung triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Báo cáo DDCI hàng năm thể hiện rõ chất lượng công tác điều hành kinh tế của cấp sở, ban, ngành và cấp huyện thông qua đánh giá của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Qua đó, tạo động lực cải cách mạnh mẽ tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp và người dân ngay tại các cơ quan, đơn vị, tạo sự hài lòng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đầu tư.
Để cải thiện rõ rệt chỉ số PCI trong những năm tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Từ đó, cả tỉnh cùng nỗ lực nâng cao thứ hạng các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục gắn trách nhiệm của “người đứng đầu” trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được phân công.
Với sự năng động, tích cực của các cấp chính quyền cùng các chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Bình Phước đã và sẽ trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư với trình độ khoa học - kỹ thuật hiện đại, quy mô vốn đầu tư lớn….góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm