Không còn là những nỗi lo mơ hồ. Nguy cơ đã thực sự hiển hiện khi Hà Nội và TP. HCM liên tục đứng trong top 10 đô thị ô nhiễm nhất thế giới những ngày gần đây.
Kết quả AQI (chỉ số đo chất lượng không khí) luôn ở mức đỏ, thậm chí tím ngắt là mức gây hại cho sức khỏe lần này thực sự khiến người dân cả nước lo lắng, hoang mang.
Không chỉ người dân Việt Nam hoang mang. Trên các diễn đàn của người nước ngoài tại Việt Nam, đề tài ô nhiễm không khí cũng luôn đứng hàng đầu, nhiều người đã lên kế hoạch tìm kiếm ‘quê hương thứ 2’ thay thế. Một số trang báo nước ngoài cũng lên tiếng cảnh báo về ô nhiễm không khí đối với người dân khi đi du lịch Việt Nam thời gian này.
Dễ thấy, hiểm họa từ ô nhiễm không khí là vô cùng lớn. Không chỉ với vấn đề sức khỏe của người dân, mà sẽ kéo theo vô số hệ lụy đối với chất lượng cuộc sống, với du lịch, công nghiệp, đầu tư, với toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.
Mức ô nhiễm màu đỏ, màu tím cũng là mức báo động đỏ cao nhất cho môi trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng, và Việt Nam nói chung. Chúng ta không thể chần chừ, thờ ơ thêm nữa. Một chương trình quốc gia về ‘chống ô nhiễm không khí’, với những giải pháp cả tức thời và cả dài hạn, là điều cần phải xây dựng và thực hiện ngay từ hôm nay.
Có thể bạn quan tâm
05:35, 02/10/2019
05:05, 02/10/2019
00:05, 02/10/2019
10:00, 16/07/2019
Điểm tên các nguyên nhân chính
Sơ bộ, người ta đã chỉ ra một số nguyên nhân sau dẫn đến ô nhiễm không khí: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi, đốt rác, rơm, rạ; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; hệ thống xử lý nước thải và rác thải yếu kém hoặc không hoạt động từ các nhà máy, cơ sở sản xuất, sinh hoạt; và nguyên nhân do thay đổi thời tiết.
Tuy vậy, vẫn chưa có những số liệu hay công cụ cụ thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trên đối với không khí ở các đô thị. Loại trừ yếu tố thời tiết là yếu tố gần như không thể kiểm soát được, với các yếu tố khác, rất cần các công cụ để đo đạc, phân tích, đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng để lên các kế hoạch với các mục tiêu giảm thải tác động của mỗi yếu tố đó đến môi trường.
Giải pháp ngắn hạn
Trước chỉ số ô nhiễm ở mức kỉ lục, nhiều người dân đã chủ động hành động, bằng cách trang bị thêm khẩu trang chống bụi mịn, máy lọc không khí trong nhà... Nhưng đó chỉ là những giải pháp tức thời, ‘giải pháp của nhà giàu’, tốn kém và không mấy chắc chắn về tính hiệu quả.
Chính quyền cũng bước đầu có những khuyến cáo về ô nhiễm không khí. Nhưng chúng ta cần thực hiện đồng bộ hơn nữa. Các giải pháp tức thời nên được đặt trong chương trình tổng thể xóa bỏ ô nhiễm, để thực hiện trên qui mô lớn với các khu vực bị ảnh hưởng.
Ngoài những khuyến cáo để người dân nắm thông tin và chủ động đối phó, trước mắt cần thành lập ban thông tin với các chuyên gia thường trực để khuyến nghị người dân chi tiết hơn, chẳng hạn thông tin về mức độ ô nhiễm chi tiết ở các khu vực cục bộ, các biện pháp tức thời nào hiệu quả nhất, thông tin về khẩu trang chống bụi mịn, khi nào cần sử dụng, hạn chế bụi được đến mức độ nào, tác dụng của máy lọc không khí ở mức độ nào, còn giải pháp gì người dân có thể thực hiện được ngay không, vv.
Một mặt chủ động thông tin tới người dân, một mặt chính quyền cũng cần bắt tay vào thực hiện các chương trình ngắn hạn. Chẳng hạn rà soát lại các nguồn gây ô nhiễm và xem xét các yếu tố nào có thể xử lý ngay lập tức, như bố trí xe rửa đường đối với các con đường nhiều bụi, hỗ trợ phát khẩu trang chống bụi với các đối tượng bị ảnh hưởng nặng, tạm dừng các công trình thi công hay các nhà máy nghi là nguồn gây ô nhiễm lớn trong những ngày mức độ ô nhiễm lên cao, đặt hạn mức với lượng than tiêu thụ cho các cửa hàng nhằm giảm lượng than đốt bếp trên toàn quốc….
Giải pháp lâu dài
Chiến dịch ‘giải cứu môi trường’ có thể sẽ phải kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, vì vậy những giải pháp bền vững và lâu dài mới là những giải pháp quan trọng nhất và cần thực hiện đồng bộ ở nhiều tỉnh thành, thậm chí phối hợp với nhiều quốc gia láng giềng cũng như với các chương trình môi trường của Liên hiệp quốc.
Một ban ‘chương trình xóa bỏ ô nhiễm cấp quốc gia’ cần được thành lập để phối hợp giữa các bộ ngành, tỉnh thành, đưa ra các chiến dịch, kế hoạch, mục tiêu, thực thi các công việc nhằm xóa bỏ ô nhiễm, cũng như thông tin thường xuyên và chịu trách nhiệm trực tiếp với nhân dân về kết quả thực hiện các mục tiêu đó.
Với các nguyên nhân gây ô nhiễm đã được ‘điểm danh’, cần rà soát lại và kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm này, tùy từng yếu tố để có những biện pháp cụ thể. Chẳng hạn, để giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông, cần có biện pháp giảm lượng xe gây ô nhiễm, nâng cao tiêu chuẩn đối với khí thải xe, tích cực hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng để giảm lượng xe cá nhân, thậm chí có thể tính tới giải pháp di dời dân số đến các khu vực mật độ còn thấp, và tiến dần đến loại bỏ hoàn toàn xe máy như Bắc Kinh hay hạn chế tối đa xe máy, ô tô cá nhân như Singapore đã thực hiện.
Với nguyên nhân là khí thải, rác thải từ các nhà máy, cần làm nghiêm khâu đánh giá tác động môi trường, thanh tra hoạt động xử lý chất thải, tăng mức phạt thật nặng với các trường hợp vi phạm để làm quỹ ‘tái thiết môi trường’, không khuyến khích và không cấp phép đối với các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm lớn như nhiệt điện, hạn chế chặt cây và trồng thêm nhiều cây xanh…
Với các công trình xây dựng, cần nâng cao các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, chẳng hạn yêu cầu che chắn toàn bộ công trình khi thi công, phun rửa xe và bánh xe sạch sẽ trước khi ra khỏi công trường, phạt nặng xe chở vật liệu không đảm bảo yếu tố an toàn cho môi trường…
Chương trình ‘xóa bỏ ô nhiễm không khí’ cấp quốc gia tất nhiên không thể thiếu sự đồng lòng và thực hiện đồng bộ của toàn dân, cần giáo dục để người dân ý thức được mỗi hành động nhỏ bảo vệ môi trường chính là mỗi viên gạch xây bức tường thành môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống vững chắc. Từng người dân cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn về xả rác, đốt rác, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nỗ lực giảm thải khi có thể, chẳng hạn hạn chế sử dụng xe riêng, trồng nhiều cây xanh trong nhà, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường khi có thể và nói không với các sản phẩm gây ô nhiễm…
Tóm lại, sẽ còn vô số việc trước mắt và trong thời gian dài chúng ta cần thực hiện, để mang lại màu xanh cho Việt nam nói chung. Dù sẽ rất khó khăn trong điều kiện đất nước chưa vững mạnh về kinh tế, nhưng nếu không khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì không chỉ kinh tế mà mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là sức khỏe của nhân dân sẽ còn quặt quẹo, yếu ớt và đầy bất an hơn nữa.