Để ngăn chặn tình trạng đấu giá đất mất kiểm soát và những hệ luỵ mang lại, chuyên gia cho rằng, cần những biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía chính quyền…
Như đã thông tin, thời gian gần đây, việc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội với giá trúng cao “đột biến” đã khiến nhiều người hoài nghi đây là cách thức của các nhóm đối tượng đầu cơ gây sốt ảo nhằm thu lợi bất chính. Thực tế nhiều địa phương tại Hà Nội đã phải ra thông báo tạm hoãn các phiên đấu giá đất trong kế hoạch.
Cụ thể, UBND huyện Thanh Oai đã có công văn gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và các công ty tổ chức đấu giá, về việc dừng đấu giá 114 thửa đất. Đây là các lô đất có diện tích từ 74-135m2, đều có giá khởi điểm 8,8 triệu đồng/m2. Trước đó, các lô đất này từng được dự định sẽ đưa ra đấu giá lần đầu vào ngày 17-8, nhưng sau đó UBND huyện Thanh Oai đã thông báo hoãn để xác định lại mức giá khởi điểm.
Tại huyện Hoài Đức cũng từng là nơi “gây bão” với giá đất sau khi đấu giá, khiến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phải vào cuộc xác minh, làm rõ những nghi vấn mà dư luận đặt ra. Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, UBND huyện quyết định dừng đấu giá đất để chờ đoàn kiểm tra của Bộ TNMT về xác minh các vấn đề liên quan đến công tác đấu giá.
Chiều 22/8, đơn vị được giao tổ chức đấu giá ở huyện Hoài Đức là Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, đã ra thông báo về việc dừng 2 phiên đấu giá 52 lô đất.
Tương tự, quận Hà Đông cũng thông báo tạm hoãn phiên đấu giá 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội. Đơn vị đấu giá trên cho biết, việc tạm dừng đấu giá được thực hiện theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến câu chuyện này, cơ quan chức năng huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã cho biết, nhiều trường hợp trúng đấu giá với giá cao “chót vót” tại địa phương đã bỏ cọc, không nộp tiền.
Bình luận về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, việc trả giá cao trong các phiên đấu giá để "thổi" giá bất động sản không hiếm trong thời gian vừa qua. Không ít trường hợp người tham gia đấu giá (thường là nhóm các nhà đầu cơ) cố tình trả giá cao để tạo ra mặt bằng giá mới rồi sau đó "lướt cọc" hoặc "bỏ cọc", thoát hàng ra để chốt lời.
Mục đích chính các đối tượng thổi giá nhằm lũng đoạn thị trường, gây hoang mang cho những người tham gia đấu giá, thậm chí nhiều trường hợp nhằm mục đích trục lợi, kiếm lời. Điều này gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn đến uy tín, kinh tế cho cơ quan quản lý Nhà nước, làm thất thu ngân sách.
Trước những diễn biến gần đây, các chuyên gia kiến nghị cần có sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình như việc trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem lại năng lực của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải chứng minh nếu thắng thì nguồn tiền ở đâu.
Trao đổi về nội dung này trên tờ SGGP, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đấu giá đất mất kiểm soát, cần có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía chính quyền. Những giải pháp này nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ góp phần đáng kể vào việc kiểm soát tình trạng thổi giá và đầu cơ trên thị trường bất động sản. Theo đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị 3 giải pháp.
Thứ nhất, cần tăng cường giám sát chặt chẽ các cuộc đấu giá đất, nâng mức đặt cọc đấu giá và yêu cầu minh bạch thông tin về người tham gia đấu giá. Điều này giúp giảm thiểu sự tham gia của các nhóm đầu cơ và đảm bảo rằng các cuộc đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch. Cần xác định rõ các tiêu chí nhận diện hành vi đầu cơ, bao gồm việc sở hữu nhiều bất động sản, thời gian nắm giữ dưới 5 năm, và bất động sản không sử dụng. Dựa trên các tiêu chí này, có thể áp dụng các sắc thuế phù hợp để ngăn chặn đầu cơ.
Thứ hai, theo kinh nghiệm quốc tế, một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đầu cơ là áp dụng thuế cao đối với đất đai không sử dụng hoặc bị đầu cơ. Thuế cũng cần được áp dụng đối với các giao dịch mua bán đất ngắn hạn, nhằm giảm bớt động cơ đầu cơ và rửa tiền. Áp dụng hệ thống thuế suất lũy tiến dựa trên giá trị bất động sản, trong đó thuế suất tăng lên khi giá trị bất động sản cao hơn. Giải pháp này giúp làm tăng chi phí đầu cơ, từ đó giảm sự hấp dẫn của việc đầu tư vào bất động sản chỉ nhằm kiếm lợi nhanh chóng.
Cuối cùng, luật sư Hà cho rằng, cần xét duyệt hồ sơ người tham gia đấu giá kỹ lưỡng. Người tham gia đấu giá đất cần phải chứng minh được khả năng tài chính hợp pháp và mục đích sử dụng đất rõ ràng. Yêu cầu này giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ và rửa tiền. Đồng thời, người trúng đấu giá phải cam kết sử dụng đất đúng mục đích trong thời gian quy định. Nếu vi phạm, đất có thể bị thu hồi và người vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý.