Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam nhanh thứ hai thế giới, nhưng quy mô nền kinh tế số của Việt Nam còn nhỏ, còn nhiều điểm nghẽn cần được mở khóa.
>>Doanh nghiệp số động lực phát triển kinh tế số
Theo báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD năm 2025, trong đó, Thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động TMĐT sẽ giảm đáng kể (từ 30 - 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững (PTBV) chung của toàn nền kinh tế.
Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020), thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, các văn bản về TMĐT (Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021...), cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các hiệp định thương mại tự do.
Hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu, hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan và hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không…
Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, trong năm qua, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp, tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website thương mại điện tử và 660 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Theo thông tin từ Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành. Hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%). Ngoài ra, ba ngành khác có tỉ lệ đóng góp nhiều nhất của công nghệ số các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (23,17%)...
Công nghệ số đóng góp nhiều nhất ở ngành công nghệ chế biến, chế tạo; bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy, xe có động cơ khác và các hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.
Thực tế cho thấy người dân Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và giao đồ ăn đứng đầu danh sách với tỉ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%. Dịch vụ tài chính số phát triển vượt bậc. Lĩnh vực cho vay số đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114% giai đoạn 2021 - 2022.
>>Kinh tế số ở Việt Nam phát triển cao hơn kỳ vọng
>>Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á
Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam nhanh thứ hai thế giới, tuy nhiên cũng được đánh giá còn nhiều điểm nghẽn, cần có chìa khóa để thúc đẩy phát triển. Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, để có kinh tế số thì phải có thị trường số, phải có không gian số, dữ liệu số và việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số.
"Vấn đề phát triển kinh tế số có liên quan mật thiết đến phát triển bền vững. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các biện pháp phát triển hạ tầng đảm bảo cho kinh tế số phát triển. Qua khảo sát, trong trường hợp Internet quốc tế bị cắt đứt, Việt Nam vẫn đảm bảo 70 - 80% hoạt động kinh tế số", ông Tuấn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), để phát triển bền vững kinh tế số, Việt Nam cần hoàn thiện khung thể chế pháp lý. Theo đó, thời gian tới, Việt Nam chú ý hoàn thiện chính sách pháp luật về an toàn, an ninh mạng, đảm bảo chính sách cạnh tranh.
"Đồng thời, cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung chính sách thuế với nền tảng số, sở hữu trí tuệ. Quá trình xây dựng chính sách cần đảm bảo tư duy theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của người mua. Tiêu biểu như các vấn đề xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến; ý thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng', ông Dương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp số động lực phát triển kinh tế số
00:30, 31/12/2022
Công nghệ và viễn thông Việt Nam: Hưởng lợi nhờ đà tăng trưởng kinh tế số
15:50, 13/12/2022
Chủ tịch CMC: “Nền kinh tế số đang là cơ hội của Việt Nam”
09:01, 09/12/2022
Kinh tế số ở Việt Nam phát triển cao hơn kỳ vọng
01:22, 15/10/2022
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á
00:30, 28/10/2022
FPT tiên phong phát triển các sản phẩm Make in Vietnam thúc đẩy phát triển kinh tế số
20:49, 08/12/2022
Phát triển kinh tế số còn nhiều rào cản
12:13, 09/10/2022
Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số
04:00, 12/06/2022