“Chìa khóa” tạo sức hút du lịch bền vững

MINH CHÂU 08/02/2024 02:01

Nhìn lại chặng đường tăng tốc của du lịch Việt, có thể thấy, bên cạnh những "con số biết nói", toàn ngành du lịch và đặc biệt là du lịch Hà Nội đã "bứt phá" nhờ nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số.

Thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội đã quyết tâm tập trung làm mới các sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực, quảng bá, xúc tiến và đặc biệt là chuyển đổi số trong ngành du lịch một cách thiết thực, hiệu quả.

Theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, đến nay, TP đã triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác đầu năm 2023. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số là cơ hội, tại nhiều điểm đến Hà Nội như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng gốm Bát Tràng, Nhà tù Hỏa Lò, phố cổ Hà Nội đã xây dựng ứng dụng tham quan ảo và hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide, góp phần nâng cao chất lượng chuyến tham quan.

Tour đêm văn học được sự quan tâm của nhiều du khách.

Tour đêm văn học được sự quan tâm của nhiều du khách.

Tại đây, khách được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR 360 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho các hạng mục, hiện vật tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng; hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ Việt, Anh, Nhật, Hàn, Pháp... trên xe buýt 2 tầng Hà Nội City Tour. Các sản phẩm du lịch mới cùng với sự tiện lợi của hoạt động chuyển đổi số du lịch góp phần giữ chân khách quốc tế ở lại Hà Nội lâu hơn.

Năm 2023, thủ đô Hà Nội đã chứng kiến một bước nhảy vọt đáng kể trong lĩnh vực du lịch, với việc đón nhận 24 triệu du khách. Con số này đại diện cho sự tăng trưởng ấn tượng lên đến 27% so với năm 2022 và tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019. Sự tăng trưởng này không chỉ là động lực mới cho nền kinh tế địa phương mà còn là biểu hiện rõ nét về sức hấp dẫn lâu dài của Hà Nội như một điểm đến du lịch tiềm năng.

Đặc biệt, một trong những thành tựu đáng chú ý nhất là tăng mạnh về lượng du khách quốc tế, với hơn 4 triệu lượt (trong đó có 2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022 và tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019. 

Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, du lịch Thủ đô bứt phá nhờ chính sách kích cầu du lịch của TP Hà Nội và nỗ lực vượt bậc của ngành du lịch Thủ đô trong việc tạo bản sắc riêng với các sản phẩm du lịch đặc sắc và ứng dụng chuyển đổi số.

Năm 2023 được đánh giá gặt hái “mùa vàng” từ chuỗi hoạt động lễ hội. Dấu ấn kể tới là Festival Thu Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm hấp dẫn về “đặc sản” ẩm thực Thủ đô. Vỏn vẹn 3 ngày tổ chức đã thu hút hơn 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Tiếp nối thành công, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023 thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan.

Trong đó, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thực sự là một “cú nổ” ấn tượng. Lần đầu tiên, một lễ hội diễn ra ở địa điểm xa trung tâm TP, trái ngược với dự cảm vắng vẻ ban đầu thì không gian sáng tạo đặc sắc tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã gắn kết không gian địa lý và các công trình kiến trúc trăm năm tuổi, sự kiện là hoạt động TP Hà Nội hướng tới thực hiện cam kết của UNESCO khi trở thành “TP sáng tạo”.

Cùng với đó là dấu ấn khi nhiều nhà hàng, quán ăn ngon được xếp sao Michelin. Đặc biệt, việc Hà Nội tổ chức thành công sự kiện âm nhạc quốc tế của nhóm nhạc BlackPink tại SVĐ Mỹ Đình thu hút hơn 60.000 khán giả, tiếp tục khẳng định thương hiệu “TP của sự kiện”.

>>Tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch ngoại thành Hà Nội

"Cú hích" của Du lịch Thủ đô 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một điểm đến điển hình của công tác "đi đầu", là khu di tích đầu tiên tại Hà Nội áp dụng vé điện tử với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch Việt Nam, một bước đột phá trong việc đổi mới công tác quản lý thông qua chuyển đổi số.

Thành công từ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hệ thống vé điện tử đã được áp dụng tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Đền Quán Thánh. Nhiều du khách đánh giá cao về tiện ích và hiệu quả của hệ thống vé điện tử.

Việc ra mắt hệ thống vé điện tử là một trong các hoạt động chuyển đổi số hoạt động du lịch là những nỗ lực của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm tạo ra các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu tính công nghệ và tiện ích.

Ngoài tiện ích về thủ tục mua vé, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về công nghệ số như số hóa 82 bia tiến sĩ, triển khai mã QR cho 40 hạng mục của di tích; hỗ trợ thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ cho du khách (Audio Guide),… Đầu tháng 11/2023, đơn vị tiếp tục trình làng sản phẩm tour đêm đặc sắc “Tinh hoa đạo học” dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping 3D tiên tiến, sản phẩm công nghệ kính ảo đêm đến cho du khách trải nghiệm độc đáo, mới lạ.

Sau thành công của tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Văn học Việt Nam, chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng tại phố cổ mang tên “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hứa hẹn trở thành không gian sáng tạo đặc biệt giữa lòng Thủ đô.

>>Hà Nội cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương

Giới trẻ trải nghiệm tour đêm đặc sắc “Tinh hoa đạo học” dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping 3D tiên tiến, sản phẩm công nghệ kính ảo đêm.

Du khách trải nghiệm tour đêm đặc sắc “Tinh hoa đạo học” dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trình chiếu mapping 3D tiên tiến, sản phẩm công nghệ kính ảo đêm.

>>Tích cực xây dựng hệ sinh thái thông minh cho du lịch Việt

Tiếp tục tăng tốc trong năm 2024

Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: Du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe…

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch Hà Nội quyết tâm nâng cao sức hấp dẫn trong năm 2024

    03:00, 21/01/2024

  • Du lịch Hà Nội "chuyển mình"

    00:30, 26/12/2023

  • Du lịch Hà Nội "vượt chỉ tiêu" đón khách quốc tế

    01:00, 28/11/2023

  • Hai vạn lượt khách tham dự Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023

    00:10, 06/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Chìa khóa” tạo sức hút du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO