Chứng khoán: Kênh tất yếu của dòng tiền 6 tháng cuối năm 2023

TRẦN NGỌC BÁU, CEO WiGroup 04/07/2023 11:30

Với bối cảnh hiện tại, đầu tư chứng khoán đang là một kênh xu hướng tất yếu của dòng tiền và sẽ được hưởng lợi.

>>“Hoá giải” thách thức tăng trưởng cuối năm

Mặc dù Việt Nam là nền kinh tế mở nhưng có bối cảnh riêng so với kinh tế toàn cầu. Chúng ta đã ở trong bối cảnh kém tích cực và đến nay bắt đầu có những tín hiệu tốt hơn.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup

Kinh tế phục hồi chậm

Có thể thấy, nền kinh tế toàn cầu đã rất cố gắng và thành công tránh khỏi một cuộc suy thoái “hạ cánh cứng” để chỉ là cú rung lắc, nhưng Việt Nam lại bị ảnh hưởng.  Điều này cho thấy tác động từ bên ngoài và nội tại bên trong suy yếu, bởi các doanh nghiệp Việt Nam nhạy cảm với lãi suất cao.

Nguyên nhân là do lợi thế cạnh tranh, năng suất lao động thấp nên doanh nghiệp tăng trưởng phần lớn nhờ đòn bẩy cao. Để nền kinh tế tăng trưởng 7-8% thì tăng trưởng tín dụng đâu đó khoảng 15-20% và khi tăng trưởng tín dụng ngừng lại, cộng với lãi suất tăng thì doanh nghiệp rơi vào trạng thái “ngộp thở”.

Một yếu tố cần lưu ý với vĩ mô của Việt Nam là nếu cung suy kiệt mà chúng ta kích cầu bằng việc giảm lãi suất, bằng chính sách bơm tiền hỗ mạnh hơn nữa, thì khi cầu phục hồi mà cung không theo kịp, sẽ dẫn đến tình trạng giá cả các mặt hàng tăng nhanh, tác động đến lạm phát.

Hiện lạm phát của Việt Nam đang rất thấp, cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra, nhưng vẫn có áp lực phía trước. Do đó, bản thân các cơ quan quản lý vẫn luôn chú ý kỹ đến giảm lãi suất hay cung tiền nhằm tránh rủi ro.

Như vậy có thể tóm tắt về nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng như sau: Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam bị biến động từ đầu năm 2020 do ảnh hưởng lần thứ nhất của Covid-19. Sau đó là đợt phong tỏa mạnh mẽ tại khu vực phía Nam năm 2021 và bắt đầu từ năm 2022 mới trở lại. Nhưng từ khoảng quý 4/2022 bắt đầu có tín hiệu thể hiện kinh tế Việt Nam đang khó khăn trong phục hồi.

Để chúng ta bứt tốc và tăng trưởng kinh tế thì phải lấy lại động lực từ công nghiệp. Khu vực công nghiệp trước giai đoạn Covid-19 tăng trưởng bình quân khoảng 9-10% và là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế cả nước, nhưng sang năm 2023 đây lại là nguồn gốc lớn nhất làm cho tăng trưởng kinh tế ở mức thấp.

Hiện nay, tăng trưởng khu vực công nghiệp quý 2 đã tăng lên 2,5%, là tín hiệu rất đáng mừng, nhưng để kinh tế tăng trưởng trở lại ở mức 6 - 7% như mục tiêu Chính phủ đề ra thì công nghiệp phải phục hồi về mức 10%.

Từ nay đến cuối năm, còn cần những hành động quyết liệt hơn nữa để nhấc được tăng trưởng kinh tế tăng cao.

>>Phân hóa chứng khoán tháng 7

Nhân diện kênh đầu tư

Về các kênh đầu tư trong bối cảnh hiện tại, trước tiên chúng ta phải so sánh các kênh từ đầu năm đến nay đã hoạt động ra sao, như kênh tỷ giá, chứng khoán, giá vàng và gửi tiết kiệm.

Trong 6 tháng đầu năm, chứng khoán là một kênh có tỷ suất lợi nhuận khá vượt trội khi tăng trưởng 12% tính theo VN-Index

Trong 6 tháng đầu năm, chứng khoán là một kênh có tỷ suất lợi nhuận khá vượt trội khi tăng trưởng 12% tính theo VN-Index

Trong đó, chứng khoán là một kênh có tỷ suất lợi nhuận khá vượt trội khi tăng trưởng 12% tính theo VN-Index, còn nếu nhà đầu tư tìm được đúng các cổ phiếu phục hồi thì tỷ suất lợi nhuận sẽ còn cao hơn rất nhiều, vì có những cổ phiếu đã tăng 70-80%.

Với kênh gửi tiết kiệm đã bứt tốc quá mạnh vào cuối năm ngoái đầu năm nay, thì trong 6 tháng đầu năm, người gửi tiền đã có lợi nhuận trung bình khoảng 6%. Còn các kênh khác như tỷ giá, sau đợt bùng nổ vào cuối năm 2022 thì tỷ giá nhìn chung khá èo uột và hiện đang ghi nhận tăng trưởng âm nhẹ. Trên thị trường vàng, giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay có xu hướng tích cực, nhưng vàng Việt Nam lại đứng im và tăng trưởng chỉ quanh mức 0,5%.

Có thể kết luận, chứng khoán là kênh phục hồi sớm nhất, mạnh nhất trên thị trường đầu tư. Vậy trong 6 tháng cuối năm sẽ còn hấp dẫn nữa hay không, vì dòng tiền thông minh luôn có xu hướng chạy về nơi có khả năng kiếm tiền tốt nhất.

Thứ nhất, kênh lãi suất huy động từ giờ nay cuối năm sẽ giảm nữa và “room” giảm khoảng 1%, vì sức khỏe nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp chỉ chịu đựng đến mức như hiện tại.

Nếu nhà đầu tư gửi tiền từ nay đến cuối năm, thì con số trả về cho lãi suất huy động từ 6 - 9 tháng đâu đó khoảng 6,5%.

Thứ hai, là kênh vàng. Tôi cho rằng đây không phải kênh hấp dẫn vì giá vàng sẽ tăng khi rủi ro về địa chính trị và kinh tế toàn cầu được thể hiện. Đặc biệt, gía vàng Việt Nam đang đi ngang do rủi ro pháp lý. Đầu tư vào vàng lúc này sẽ phải gánh rủi ro về giá khi pháp lý thay đổi.

Thứ ba, về bất động sản. Chìa khóa cho lĩnh vực này vẫn phải là tín dụng và pháp lý. Hiện tại tăng trưởng tín dụng đang thiết lập mức thấp nhất so với cùng kỳ năm trong vòng 10 năm. Nếu tín dụng không thông thì bất động sản sẽ vẫn gặp khó.

Mặt khác, do đặc thù ngành bất động sản ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tín dụng, đồng thời về hành lang về pháp lý, đến tháng 10 năm nay mới dự kiến thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá,... thì chậm nhất là đến tháng 10 chúng ta mới hình thành được bức tranh pháp lý của thị trường bất động sản và cần thêm thời gian thẩm thấu từ 6 tháng đến 1 năm.

Đặc biệt, nếu huy động không tăng trưởng thì tín dụng cũng không thể tăng trưởng khiến ngân hàng gặp những khó khăn về nợ xấu, về các tỷ lệ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét nới một số pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng như chưa siết tỷ lệ LDA trong giai đoạn hiện tại. Và ngày 1/10 là ngày quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn áp dụng cho ngân hàng phải về mức 30%, thay vì mức 34% như hiện tại. Đâu đó khoảng cuối quý 3, câu chuyện này sẽ nóng lên khiến lãi suất không thể giảm một cách quyết liệt, nên bất động sản càng khó có thể khởi sắc trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới.

Thứ, đối với kênh tỷ giá, tôi có hai góc nhìn như sau: Một là mọi thứ vẫn đang ủng hộ cho VND có sức mạnh tương đối tốt so với đồng USD, thông qua xu hướng của đồng USD và dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam.

Góc nhìn thứ hai là tỷ giá chào bán của ngân hàng thương mại đã nằm xa so với giá mua của Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu không còn bơm tiền thông qua việc mua USD. Thực tế trong năm nay, tỷ giá không phải là một kênh hấp dẫn, không giúp chúng ta có được tỷ suất lợi nhuận mong đợi.

Từ các phân tích trên có thể thấy, trong nửa cuối năm sẽ có hai kênh đầu tư nên xem xét đó là đầu tư chứng khoán và gửi ngân hàng. Trong bối cảnh khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục hành động quyết liệt hơn, thẩm thấu của nền kinh tế rõ ràng hơn, khi đó thị trường chứng khoán sẽ là một kênh chiếm ưu thế so với những kênh còn lại khá nhiều.

Khi tiền không còn chỗ nào chảy nó sẽ phải tìm đến một nơi đỡ ít tiêu cực nhất và cá nhân tôi nghĩ với bối cảnh hiện tại, đầu tư chứng khoán đang là một kênh được hưởng lợi.

Có thể bạn quan tâm

  • Phân hóa chứng khoán tháng 7

    00:00, 03/07/2023

  • Hành động của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nửa cuối 2023

    12:00, 20/06/2023

  • Margin tăng, có rủi ro "bom nợ" trên thị trường chứng khoán?

    05:16, 21/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chứng khoán: Kênh tất yếu của dòng tiền 6 tháng cuối năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO