Điểm chung trong dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2024 từ các công ty chứng khoán và các định chế tài chính, là khá lạc quan và chờ đợi VN-Index sẽ hướng về cột mốc mới.
>>> Kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
Trong kịch bản cho TTCK năm 2024, CTCK KB Việt Nam (KBVN) cho rằng thị trường sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn với 4 yếu tố chính định hình, bao gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quay trở lại mốc quanh 6%. Sau mức tăng trưởng thấp chỉ khoảng 5% GDP của năm 2023, KBVN có quan điểm lạc quan hơn với triển vọng kinh tế của năm 2024 với dự báo mức tăng quanh 6%. Trong đó, các động lực tăng trưởng chính đến từ: i) thị trường bất động sản khởi sắc hơn; ii) chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính chất hỗ trợ giúp lãi suất duy trì ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh, trong khi các chính sách miễn giảm thuế tiếp tục được duy trì; iii) các động lực tăng trưởng truyền thống khác như vốn đầu tư nước ngoài FDI, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi… Việc kinh tế tăng trưởng trở lại quanh mốc 6% sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và đầu tư công được đẩy mạnh. Với dự báo các yếu tố khách quan về áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, trong khi nợ công vẫn đang ở mức thấp, KBVN cho rằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2024.
Yếu tố này không chỉ hỗ trợ thị trường từ góc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tác động trực tiếp giúp dòng tiền vào TTCK được cải thiện, định giá cổ phiếu tăng, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ yếu tố này.
>>>Dự cảm kinh tế Việt Nam 2024: Nhà đầu tư ngoại lạc quan
Thứ ba, Fed xoay chiều chính sách trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt tích cực và có thể tránh được 1 cuộc suy thoái. Các số liệu gần đây của nền kinh tế Mỹ (về việc thị trường lao động và số liệu lạm phát hạ nhiệt), kết quả cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed, biểu đồ dot-plot, các bài phát biểu của quan chức Fed, và dự báo của thị trường thông qua công cụ CME Fed Watch đều cho thấy khả năng gần như chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất ở 1 thời điểm nào đấy trong năm 2024. Các chuyên viên phân tích của KBVN kỳ vọng đợt hạ lãi suất sớm nhất sẽ diễn ra vào ngay cuối quý I năm sau. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK toàn cầu cũng như TTCK Việt Nam. Mặc dù vậy, rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vẫn là yếu tố đáng chú ý và trong kịch bản trầm trọng có thể gây sức ép lớn lên TTCK toàn cầu.
Thứ tư, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ tránh được sự đổ vỡ trong năm 2024. Sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc là yếu tố rủi ro đáng chú ý trong năm 2024, khi quốc gia này mở cửa không thành công sau khi kết thúc chính sách zero-Covid đầu năm 2023 và các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước liên tục diễn ra. Trong kịch bản cơ sở của KBVN, Trung Quốc sẽ tránh được cuộc đổ vỡ của nền kinh tế cũng như của thị trường bất động sản trong năm 2024. Tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ suy giảm nhẹ và các khó khăn tập trung chủ yếu nửa đầu năm, trong khi nửa sau 2024 có thể ghi nhận 1 số tín hiệu hồi phục tích cực.
Theo đó, nhóm chuyên gia phân tích của KBVN cho rằng vùng điểm hợp lý của chỉ số VNIndex thời điểm cuối năm là 1.330 điểm. "Dựa vào phân tích và đánh giá 4 yếu tố định hình xu hướng TTCK Việt Nam ở trên, chúng tôi cho rằng xu hướng hồi phục của TTCK Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024 với vùng giá mục tiêu ở quanh 1.330 điểm. Với việc mặt bằng lãi suất được dự báo ở mức thấp với lãi vay còn dư địa giảm thêm, cung tiền M2 được mở rộng với mức tăng 12.2% trong năm 2024, chúng tôi cho rằng mức định giá P/E thị trường (hiện đang 14.9) sẽ cải thiện lên mức 15.3 thời điểm cuối 2024, tương ứng bình quân 2 năm giai đoạn 2022-2023. Thêm vào đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi mức tăng 16,4% của lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, được hỗ trợ bởi mức nền so sánh thấp của năm 2023 và kinh tế vĩ mô quay trở lại xu hướng hồi phục", ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô & Chiến lược thị trường cùng nhóm cộng sự KBVN - phân tích.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, năm 2024, dù còn khó khăn ngắn hạn, đây sẽ là năm hội tụ nhiều yếu tố khởi đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.
Theo đó, các yếu tố cụ thể được xem xét bao gồm:
Về phía yếu tố/ tác nhân bên ngoài: Thế giới đang đi vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất. Theo BVSC, lãi suất điều hành giảm thường là tín hiệu bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán. Dù vậy, trong ngắn hạn thị trường Mỹ có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm sâu trước khi chính thức bước sang chu kỳ tăng mới.
Tác động dòng tiền: Đối với dòng tiền ngoại - việc Fed hạ lãi suất sẽ thúc đẩy các dòng vốn có thể tìm đến các thị trường mới nổi. BVSC cũng nhận địnhFed nhiều khả năng sẽ dừng tăng lãi suất, tuy nhiên đưa ra lộ trình có phần thận trọng theo quan điểm của các chuyên viên là Fed có thể tiến tới giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024. "Khi đồng USD hạ giá, dòng vốn đầu tư có thể dịch chuyển trở lại các thị trường mới nổi. Dòng vốn ngoại cũng thể hiện sự quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam trong điều kiện đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam có cơ hội nâng hạng trong năm 2024 cũng sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền ngoại", nhóm chuyên gia BVSC phân tích.
Đối với dòng tiền trong nước: Dòng tiền trong nước chiếm ưu thế và nhà đầu tư cá nhân tiếp tục chiếm tỷ trọng giao dịch lớn. Khi giao dịch tập trung vào các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, chỉ số và thanh khoản biến động mạnh. Dòng tiền nội duy trì ổn định nhờ môi trường lãi suất thấp, thiếu vắng cơ hội ở các kênh đầu tư khác. Tín dụng tăng cao trở lại là cơ sở để kỳ vọng có thêm dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Định giá thị trường: Theo BVSC, định giá của thị trường Việt Nam hiện vẫn ở mức hấp dẫn.Với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp dự báo hồi phục mạnh trong năm 2024 cùng quy mô vốn hóa tăng nhanh của TTCK Việt Nam trong các năm gần đây giúp định giá theo PE của thị trường Việt Nam năm 2024 trở nên hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trong khu vực hay các thị trường EM.
Trong đó, định giá rẻ của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là điểm tựa cho thị trường; cùng với lợi nhuận của các DNNY sẽ phục hồi trong 2024 sẽ đóng góp cho tăng trưởng của TTCK 2024.
"Fed được dự báo có thể đảo chiều chính sách, đây là cơ sở để kỳ vọng dòng vốn chảy vào các thi trường mới nổi trong đó có thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư trong nước vẫn được hưởng môi trường lãi suất thấp, nhưng sẽ chưa có đột phá về dòng tiền. Tăng trưởng KQKD là điểm tựa, kỳ vọng TTCK VN được nâng hạng là điểm nhấn cho diễn biến và xu hướng của thị trường. Dự báo VN-Index có thể đạt 1.300-1.350 trong năm 2024", nhóm chuyên gia nêu.
Có thể bạn quan tâm
Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp
12:00, 31/12/2023
Kinh tế tăng trưởng 5%, chứng khoán chờ năm bản lề hưởng lợi
05:35, 30/12/2023
Những sự kiện, dấu ấn chứng khoán nổi bật năm 2023
05:30, 30/12/2023
Hai kịch bản thị trường chứng khoán
14:25, 23/12/2023
TTCK Việt Nam sẽ tăng cùng chiều với chứng khoán Mỹ trong dài hạn
05:02, 25/12/2023