Cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán: Có thể hay không?

NGUYỄN LONG 05/04/2021 05:47

Nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, trong thời gian qua nguyên nhân gốc của vấn đề lỗi trên sàn HOSE là vấn đề cải cách quản trị và sở hữu.

Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ đặt tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Long.

Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ đặt tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Long.

Việc nghẽn lệnh trên sàn HoSE đã xảy ra trong nhiều tháng qua và vẫn đang chờ các biện pháp kỹ thuật được triển khai từ phía FPT nhằm khắc phục.  Hiện, nhà đầu tư sẽ vẫn phải chịu tình cảnh “ngóng chờ” thị trường không lỗi khi thanh khoản tăng cao.

Trong thời gian chờ hệ thống mới, để giải quyết tình trạng không chỉ tình trạng “nghẽn lệnh” mà còn để giải quyết gốc rễ vấn đề trong quản trị của Ủy ban chứng khoán, một trong những giải pháp Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất đó là nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực.

Sở giao dịch và Trung tâm lưu ký sau cổ phần hóa phải hoạt động công khai minh bạch như công ty niêm yết và phải độc lập, thực sự tách rời Bộ Tài chính và UBCKNN và chịu sự quản lý giám sát đặc biệt từ Bộ Tài chính, UBCKNN.

"Luật Chứng khoán mới đã cho phép cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoàn và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán. Hy vọng rằng Bộ Tài chính sẽ sớm tiền hành việc này để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự được nâng hạng" VAFI kết luận.

VAFI cho rằng điều này thể hiện năng lực quản trị điều hành HOSE. Đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch mà không làm chủ được công nghệ vận hành. Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành.

Đồng tình với quan điểm này, Nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết nên sớm cổ phần hoá Sở giao dịch chứng khoán để có thể áp dụng mô hình quản trị mới.

"Các sở giao dịch chứng khoán là nơi luôn yêu cầu các công ty niêm yết phải quản trị theo nguyên tắc OECD, làm các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết để theo hướng quản trị mới. Trong khi đó chính các sở lại không cải cách về quản trị, vẫn là sở hữu nhà nước thì không hợp lý", ông Bằng nói.

Theo ông Vũ Bằng, tất cả những lỗi, tình trạng công nghệ cũ trong thời gian qua nguyên nhân gốc vẫn là vấn đề cải cách quản trị và sở hữu.

Nguyên Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng đề xuất Việt Nam có thể học Ba Lan. Sở giao dịch chứng khoán của quốc gia Đông Âu này thực hiện cổ phần hoá một phần nhỏ, trước tiên là 2%, đủ để chuyển đổi thành công ty cổ phần, có HĐQT. Sau đó, khi thị trường phát triển, công nghệ tân tiến được áp dụng thì mới bán thêm một chút cho nhà đầu tư ngoại khoảng 5-7%.

"Cổ phần hoá cũng không nên một lúc bán nhiều cho nhà đầu tư nước ngoài, vì đây là lợi ích quốc gia. Có thể khi bắt đầu cổ phần hoá, sở giao dịch chứng khoán các nước xung quanh sẽ mua cổ phần rồi nhanh chóng kìm hãm công nghệ của chúng ta để hút vốn sang thị trường họ. Vì thế, nếu có cổ phần hoá cũng nên bán ít trước, sau đó thị trường, doanh nghiệp lớn lên rồi mới bán thêm, tránh thiệt hại cho nhà nước và thị trường trong nước", ông Bằng khuyến nghị.

Theo đó, sau khi hợp nhất hai sở làm một thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thì có thể cổ phần hoá. Điều này giúp Sở hoạt động tốt hơn, quản trị theo mô hình tư nhân, có HĐQT, có sự tham gia của thành viên thị trường, dễ dàng áp dụng các chuẩn mực quản trị của OECD, hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn.

Liệu rằng cổ phần hóa sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ dễ dàng?

Liệu rằng cổ phần hóa sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ dễ dàng?

Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI, xu hướng cổ phần hóa nhìn chung là chính sách lớn của nhà nước trong một vài năm trở lại đây. "Tôi thấy rằng không chỉ các doanh nghiệp liên quan đến chứng khoán mà còn các doanh nghiệp liên quan các ngành nghề khác cũng được nhà nước khuyến khích cổ phần hóa. Cổ phần hóa rõ ràng có nhiều lợi ích, chủ yếu liên quan đến phần vốn do tư nhân sở hữu sẽ có trách nhiệm phát triển tốt hơn" - ông Nam cho biết.

Nhưng với lĩnh vực chứng khoán còn phải tùy, như đối với Sở giao dịch còn liên quan đến vấn đề quản lý của nhà nước về an toàn hệ thống tài chính. Do đó, vẫn cần giải pháp để cân đối hai mặt.

"Xu hướng trên thế giới cho thấy một số sở giao dịch đã được cổ phần hóa, tuy nhiên với thực trạng của Việt Nam cần kế hoạch cân đối phù hợp giữa an toàn hệ thống và cổ phần hóa để giải quyết vấn đề nghẽn lệnh hay các vấn đề khác" - ông Lê Ngọc Nam cho hay.

Khái niệm cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán không phải bây giờ mới được nhắc tới. Trước đó, trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi đó cũng nhắc đến vấn đề này nhưng theo một hướng khác. Ông cho rằng "trong 5 năm tới chưa cổ phần hóa được sở này, theo thông lệ quốc tế thì các sở giao dịch chứng khoán là cổ phần, thậm chí là tư nhân nhưng trong điều kiện của Việt Nam thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức thì nên việc kế thừa, ổn định để đảm bảo ổn định thị trường phát triển trong điều kiện chúng ta đang yêu cầu phát triển cao và hội nhập là cần thiết". 

Theo Quyết định của 37/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 28/12/2020, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chỉ vừa mới được thành lập. Sởlà công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Sở có trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Rõ ràng là với giai đoạn đầu Sở mới bắt đầu đi vào vận hành và HoSE cùng HNX cũng đang ở giai đoạn bắt đầu vận hành theo mô hỉnh quản lý mẹ - con mới; do đó, ngay lúc này việc bàn cổ phần hóa một trong, hoặc 2 sở "con" - theo cách mà nhiều mà nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước lựa chọn để tiến hành cổ phần hóa một phần, với thành viên, cũng sẽ khó khả thi.

Tuy vậy, trong tầm nhìn dài hạn, cũng tương tự như các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, đổi mới quản trị doanh nghiệp rõ ràng không thể chỉ trông hết vào đổi mô hình quản lý. Câu chuyện cổ phần hóa sở giao dịch vì vậy, mới chỉ bắt đầu...

Có thể bạn quan tâm

  • Thực trạng giải quyết

    Thực trạng giải quyết "nghẽn lệnh" trên HoSE

    11:05, 01/04/2021

  • HOSE mãn tính

    HOSE mãn tính "nghẽn lệnh", nhà đầu tư không biết kêu ai...

    11:10, 25/02/2021

  • Ngày mai 24/3, sẽ có 1,2 tỷp/cổ phiếu SeABank đổ bộ sàn HoSE

    Ngày mai 24/3, sẽ có 1,2 tỷ cổ phiếu SeABank đổ bộ sàn HoSE

    06:00, 23/03/2021

  • Xử lý sự cố HoSE: Cơ hội để doanh nghiệp tư nhân khẳng định thế mạnh

    Xử lý sự cố HoSE: Cơ hội để doanh nghiệp tư nhân khẳng định thế mạnh

    05:30, 20/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán: Có thể hay không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO