Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 thay thế cho phiên bản 3.1.
Vậy những cổ phiếu những nhóm ngành nào sẽ bị siết khi Bộ chỉ số này có hiệu lực?
Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3/2025. Một trong những nội dung thay đổi ở Bộ chỉ số mới này, đó là việc giới hạn tỷ trọng vốn hóa (VN30).
Cụ thể, quy tắc 4.0 đã bổ sung quy định về giới hạn tỷ trọng vốn hóa một nhóm cổ phiếu cùng ngành là 40%, đồng thời sử dụng phân ngành GICS cấp 1. Hiện hệ thống phân ngành cấp độ 1 của chuẩn GICS xác định 11 lĩnh vực kinh tế chính, trong đó có lĩnh vực Tài chính bao gồm Bảo hiểm, Chứng khoán, Ngân hàng và Tài chính tiêu dùng.
Được biết, sau đợt cơ cấu quý 1/2025, tại rổ VN30 thêm mới LPB và loại POW khỏi danh mục. Hiện rổ VN30 có 15 cổ phiếu thuộc ngành Tài chính theo quy tắc mới, gồm SSI (Chứng khoán), BVH (Bảo hiểm), và 14 cổ phiếu Ngân hàng; tỷ trọng vốn hóa của nhóm Tài chính đã nâng lên mức 60%.
Theo đánh giá của SSI Research, với quy định mới này sẽ giảm tỷ trọng nhóm Tài chính trong rổ chỉ số. Nhóm cổ phiếu ngân hàng với đại diện 14 cổ phiếu tại rổ VN30 gồm: VCB, BID, CTG, STB, LPB, SHB, SSB, ACB, TCB, VIB, VPB, MBB, HDB, TPB.
Mục tiêu quy tắc Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo tính ổn định, chất lượng của chỉ số cũng như tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu trong rổ chỉ số. Việc nâng mức khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh khi chọn lọc cổ phiếu giúp tăng tính thanh khoản của các cổ phiếu được chọn vào rổ.
Ngoài ra, việc bổ sung tiêu chí tài chính về lợi nhuận sau thuế của cổ phiếu trong rổ VN30 không âm giúp nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời cổ phiếu được sàng lọc vào rổ chỉ số VN30, đều là các doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt.
Một số thay đổi khác như việc xác định cổ phiếu vào rổ VN30 phải có khối lượng giao dịch lớn hơn hoặc bằng 300.000 cổ phiếu và giá trị giao dịch khớp lệnh lớn hơn hoặc 30 tỷ đồng. Những quy định này nhằm tăng yêu cầu về thanh khoản và có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu hiện có trong rổ chỉ số như mã BVH. Theo thống kê của SSI, tại ngày 20/1/2025, BVH có giá trị giao dịch khớp lệnh là 23 tỷ đồng, chưa thỏa mãn điều kiện theo quy tắc mới.
Quy tắc mới bổ sung tiêu chí lợi nhuận sau thuế không được âm; sử dụng lợi nhuận bán niên cả năm gần nhất, tương ứng với 2 kỳ thay đổi danh mục vào tháng 1 và tháng 7. Đồng thời sử dụng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất đối với tổ chức niêm yết là công ty mẹ.
Quy tắc mới cũng chỉ xét Báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán là chấp nhận toàn phần; nếu ý kiến kiểm toán có nội dung vấn đề lưu ý thì HoSE cần lấy ý kiến của Hội đồng chỉ số. Những thay đổi này sẽ tăng yêu cầu về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá việc áp dụng Bộ chỉ số 4.0, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc quy định này có hiệu lực từ tháng 3/2025 sẽ góp phần ổn định cơ cấu ngành và hạn chế việc một ngành chiếm tỷ trọng quá nhiều trong rổ chỉ số như hiện nay, khi tỷ trọng nhóm tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng trong VN30 chiếm trên 54% tính tới 31-12-2024. Thực tế, việc các chỉ số chịu ảnh hưởng lớn từ nhóm ngành ngân hàng đã xảy ra từ rất lâu trên TTCK Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng, khi cổ phiếu ngân hàng tăng, còn phần lớn cổ phiếu nhóm ngành khác giảm giá mạnh.
Có thể nói, việc giới hạn tỷ trọng trong các nhóm ngành sẽ giúp chỉ số VN30 không quá phụ thuộc vào một nhóm ngành và khắc phục sự bất hợp lý trong cơ cấu các nhóm ngành, Đồng thời, tiêu chí thanh khoản, với hai yếu tố là khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch của cổ phiếu đã được nâng cao. Điều này là quan trọng, bởi tiêu chí thanh khoản thường yếu tố nền tảng được xem xét khi xây dựng các chỉ số và là tiêu chí quan trọng của các quỹ ETF.
Việc tăng tính thanh khoản sẽ giúp kích thích các nhà đầu tư chú ý vào rổ danh mục. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ ưa thích hơn các danh mục hay rổ chỉ số có tính thanh khoản cao…