Nghị quyết HĐQT mới đây của VPB- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - thông báo ngân hàng này đang ráo riết bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
>>> Thương vụ bán vốn của VPBank và những cuộc đua mới
So với nhóm cổ phiếu cùng ngành trên sàn, VPB là cổ phiếu có thanh khoản và giá trị giao dịch khá lớn tại HOSE. Theo thống kê mỗi phiên, cổ phiếu này khớp lệnh từ 15 triệu - 20 triệu đơn vị với giá trị giao dịch trung bình từ 300 - 500 tỷ đồng. Cụ thể phiên giao dịch ngày 11/8 với tổng số cổ phiếu khớp lệnh 12,4 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch 269 tỷ đồng; Phiên ngày 10/8 cổ phiếu này khớp lệnh 19,8 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch lên tới 461 tỷ đồng; Phiên ngày 9/8 cổ phiếu này khớp lệnh 21,3 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch lên tới 467 tỷ đồng…
Với khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên khá lớn, cổ phiếu VPB chỉ xếp sau STB về khối lượng giao dịch thời gian qua. Trong đó, khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng cổ phiếu ngân hàng này trong những ngày đầu tháng 8/2023. Điều này được cho có hiệu ứng từ cơ hội của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tăng vốn và bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nói chung và VPBank nói riêng.
Được biết, ngày 3/8, Hội đồng Quản trị (HĐQT) VPB đã ra Nghị quyết số 165/2023, quyết nghị về triển khai chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Đầu năm, ngân hàng đã thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản – thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thỏa thuận này đã chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPB. Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPB 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPB từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên gần 140 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV, thương vụ này sẽ mang lại cho VPB 1 số lợi thế: Cải thiện nguồn vốn cấp 1, qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn CAR lên mức cao hơn (hiện tại đang ở mức 12,7% đối với ngân hàng mẹ và 14,9% đối với hợp nhất). Nguồn vốn này sẽ tạo điều kiện để VPBank có "room" tăng trưởng tín dụng lớn (kì vọng "room" tăng trưởng cao sau khi nhận cơ cấu ngân hàng yếu kém).
Việc hợp tác chiến lược với SMBC cũng là cơ hội để VPB có thể tiếp cận các nguồn vốn vay chi phí thấp trong tương lai, qua đó cải thiện NIM của ngân hàng và thế mạnh khai thác tệp khách hàng FDI có mối quan hệ với SMBC. SMBC sau khi trở thành cổ đông chiến lược, với vị thế là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, sẽ có những đóng góp quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của VPB trong dài hạn.
HĐQT VPB dự kiến trong quý 3/2023 và đầu quý 4/2023 sẽ hoàn thành việc triển khai bán vốn. Được biết, toàn bộ cổ phiếu chào bán cho đối tác ngoại sẽ hạn chế chuyển nhượng trong 05 năm.
Bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng giám đốc thường trực VPBank - cho biết, VPBank nằm trong số ít các ngân hàng được NHNN giao hạn mức tín dụng cao cho cả năm 2023. Ngân hàng đã có kế hoạch cụ thể phân bổ hạn mức tín dụng được NHNN giao vào các phân khúc chiến lược là bán lẻ và SME, bên cạnh một phân khúc đang được đẩy mạnh khai thác là khối khách hàng FDI – khai thác chéo từ tệp khách hàng của đối tác SMBC. Đây là những phân khúc được đánh giá sẽ mang lại lợi nhuận khả quan cho ngân hàng.
Theo ước tính, giới hạn tín dụng của VPB trong năm 2023 được NHNN cấp ở mức xấp xỉ 24%. Về tình hình kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, VPB ghi nhận tín dụng hợp nhất tăng trưởng hơn 10% so với đầu năm, đạt hơn 529 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13%, vượt xa mức tăng trưởng tín dụng trung bình ngành 4,7% trong 6 tháng đầu năm (theo số liệu công bố của NHNN), nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược là bán lẻ và SME với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Dư nợ tín dụng của phân khúc ngân hàng bán lẻ nói riêng, đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% từ đầu năm.
Triển vọng của ngành ngân hàng nội, theo đánh giá, ở mức ổn định trong trung - dài hạn. Trong giai đoạn tới, những chính sách cho vay phù hợp hướng tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh ổn định sẽ giúp khối doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, đồng thời hỗ trợ củng cố năng lực phát triển bền vững của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, có thể khẳng định nguồn huy động dồi dào, đi đôi với bộ đệm vốn vững chắc từ thương vụ bán vốn cho đối tác SMBC, sẽ giúp ngân hàng đảm bảo thanh khoản và đáp ứng các nhu cầu tín dụng đa dạng khi thị trường khởi sắc, khi cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh và giải ngân đầu tư công tăng tốc trong nửa cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 4.5% so với cùng kỳ đạt 16,24 tỷ USD, sẽ là một trong những điểm cộng cho chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng FDI của VPB trong thời gian tới. Tận dụng kinh nghiệm và mạng lưới khách hàng doanh nghiệp lớn rộng khắp của đối tác SMBC, VPB kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng là các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Do vậy, VPB có rất nhiều động lực để ráo riết triển khai các kế hoạch thủ tục hoàn thành bán vốn cho đối tác chiến lược; cũng như cổ phiếu VPB có "đà" để "chạy".
Có thể bạn quan tâm
VPBank tung loạt đặc quyền đẳng cấp quốc tế dành tặng giới siêu giàu
13:00, 07/07/2023
Dealtoday hợp tác toàn diện cùng VPBank: Kết nối công nghệ với trải nghiệm khách hàng
08:00, 12/05/2023
Thương vụ bán vốn của VPBank và những cuộc đua mới
16:00, 21/03/2023
VPBank chinh phục khách hàng doanh nghiệp bằng nhiều điểm chạm đắt giá
11:06, 15/03/2023