“Cú hích” cho nông nghiệp hữu cơ Quảng Ninh

LÊ CƯỜNG 15/10/2022 06:16

Mặc dù có tiềm năng và lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào, nhưng sau một thời gian triển khai, nông nghiệp hữu cơ của Quảng Ninh vẫn chưa thế bứt phá.

Do đó, cần cú hích cho lĩnh vực này. 

>>Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Kết nối, hợp tác để phát triển

 Nhiều doanh nghiệp, người nông dân ở Quảng Ninh vẫn e dè khi lựa chọn nâng cấp sản phẩm từ quy trình VietGAP lên sản xuất hữu cơ.

Nhiều doanh nghiệp, người nông dân ở Quảng Ninh vẫn e dè khi lựa chọn nâng cấp sản phẩm từ quy trình VietGAP lên sản xuất hữu cơ.

Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ninh mới chứng nhận được 45ha lúa hữu cơ với sản lượng khoảng 150 tấn tại Thị xã Đông Triều và Quảng Yên; 329ha quế hữu cơ với sản lượng 220 tấn tại huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Còn ở những lĩnh vực khác vẫn chưa được chứng nhận hoặc chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa.

Khó khăn, thách thức

Ông Lê Văn Quý ở xã Tràng Lương, Thị xã Đông Triều cho biết: “Để trồng thành công được 15ha ổi theo quy trình VietGAP, chúng tôi đã phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe, từ khâu chọn đất, giống, phân bón cho đến thu hoạch. Còn đối với hữu cơ thì tiêu chuẩn phải cao hơn nữa khi không được sử dụng phân bón hóa học, chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất biến đổi gen, chất kích thích sinh trưởng và cần có thời gian để cải tạo chất đất, nguồn nước… Như vậy, sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, chi phí cao”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hộ dân vẫn không đủ kiên trì, chỉ muốn thu hoạch nhanh nhằm xoay chuyển vốn để đầu tư thêm sản phẩm khác. Các chuyên gia cho rằng, đây là lối tư duy cũ, không phù hợp với phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Vì vậy, cần tuyên truyền, hỗ trợ người dân cả về vốn lẫn kỹ thuật nuôi trồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ...

Theo ông Lê Văn Qúy, chi phí để có được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chi phí quảng bá để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khiến cho không ít đơn vị e dè khi nâng cấp sản phẩm từ quy trình VietGAP lên sản xuất hữu cơ.

Chẳng hạn, năm 2014, Công ty CP Terranique tại thôn Đồng Vang (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) được chứng nhận sản xuất trồng trọt hữu cơ với diện tích 2,5ha. Tiêu chuẩn trồng trọt hữu cơ áp dụng là tiêu chuẩn EU và tiêu chuẩn USDA (Mỹ). Các loại cây trồng sản xuất hữu cơ chủ yếu là rau xanh, dưa chuột, cà chua, củ cải đỏ, hành, tỏi, đậu hạt các loại. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất cao lên tới 8 tỷ đồng mà quá trình sản xuất và tiêu thụ không được thuận lợi nên chỉ sau một thời gian, công ty này đã phải tạm dừng sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh cho biết: “Đầu ra sản phẩm là nhân tố quyết định của sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn khó khăn nhất của sản phẩm hữu cơ hiện nay. Để có sản phẩm hữu cơ đòi hỏi rất nhiều điều kiện nên nông nghiệp hữu cơ không có được mức tăng trưởng nhanh như sản xuất nông nghiệp thâm canh. Cùng với đó, việc sản xuất hữu cơ mất nhiều công hơn, chi phí nhiều hơn, giá thành cũng cao hơn so với loại thường, trong khi thị trường luôn yêu cầu sản phẩm rau màu tốt mã, giá rẻ. Ngược lại, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng chưa đánh giá đúng những giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại”.

Giải pháp bền vững

Trước thực trạng trên, cùng với việc hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc họp về đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thách thức, đề án này đã đề xuất 11 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết “4 nhà”; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; đồng thời xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... nhằm nhân rộng vùng canh tác hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Thành cho biết mục tiêu của đề án là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.

“Ở lĩnh vực trồng trọt, cần tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm rau, củ, quả, chè, dược liệu, lúa gạo hữu cơ tại các địa phương: Quảng Yên, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà... Sau đó, khoanh vùng, thực hiện giai đoạn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ đối với 55ha sản xuất trồng trọt”, ông Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh và cho biết thêm, trong lĩnh vực chăn nuôi, sẽ tập trung phát triển sản phẩm gia súc, gia cầm hữu cơ tại: Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà và Móng Cái; trong đó, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi hữu cơ từ 10 đến 15%.

Để thực hiện những mục tiêu nói trên, ông Nguyễn Trung Thành cho biết Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đang tham mưu với tỉnh Quảng Ninh xây dựng các chính sách khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, như hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm…

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Lan toả tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên

    Quảng Ninh: Lan toả tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên

    06:22, 28/09/2022

  • Quảng Ninh: nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số DDCI

    Quảng Ninh: nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số DDCI

    01:28, 14/09/2022

  • Quảng Ninh: Cần

    Quảng Ninh: Cần "sức bật" để phát triển nuôi trồng thủy sản

    01:12, 11/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Cú hích” cho nông nghiệp hữu cơ Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO