Khi tủ đồ đã chật ních, quần áo thì còn quá mới để vứt đi, nhưng cũng chẳng đủ xịn để bán lại, vậy phải giải quyết như thế nào? Công ty mới nổi Nuw có một giải pháp độc đáo cho vấn đề này.
>>"Thế trận mới" của thời trang nhanh
Từ trước tới nay, mỗi khi muốn dọn bớt tủ quần áo, thay vì vứt đi mọi người thường tìm cách để bán lại. Trào lưu mua bán đồ cũ cũng đang nở rộ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đa phần những đồ cũ mua bán lại là những loại quần áo hàng hiệu đắt tiền, sang trọng hoặc mang phong cách cổ điển.
Còn đối với những mặt hàng như thời trang nhanh, giá rẻ bán tràn lan trên thị trường hiện nay, thì những nền tảng hay cửa hàng đồ cũ như trên chắc chắn sẽ không phù hợp. Hơn nữa, những mặt hàng thời trang “ăn liền” giá rẻ khi đã dùng rồi cũng rất khó bán và khó định giá. Đa số mọi người đều khá do dự khi bỏ tiền ra mua những loại quần áo thời trang nhanh với giá không rẻ hơn đồ cũ là bao.
Cô Aisling Byrne, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Nuw - nền tảng trao đổi quần áo trực tuyến cho biết mình đã nhận ra điều này từ khi còn là sinh viên ở Dublin, Ai-len.
Trong những buổi tổ chức trao đổi quần áo, Byrne đã nhận ra: “Giá cả chính là là rào cản của việc mua bán đồ cũ, người dùng thường định giá một cách khá tùy tiện. Nhiều người cho rằng giá đồ cũ khá đắt so với việc mua hẳn đồ mới. Nhưng nếu bán cho họ với giá thành rẻ hơn, thì họ lại bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không dính líu gì đến giá cả, thì đa số mọi người đều vui vẻ trao đổi quần áo cho nhau kể cả đó là mặt hàng thời trang nhanh”.
Bám vào tâm lý này của người dùng, Nuw đã ra đời. Nuw “san bằng” giá trị của tất cả các món đồ trên nền tảng, quy ước chúng với hai loại đồng xu bạc và vàng để làm vật trao đổi. Người dùng sẽ không phải cân nhắc mua bộ này đã đúng giá chưa, hay làm sao để định giá được chính xác bộ quần áo mình mới tải lên nền tảng. Họ chỉ cần đăng quần áo để đổi xu và thoải mái mua các bộ đồ khác trên Nuw bằng số đồng xu đó.
Nuw quy định mỗi bộ quần áo người dùng đăng lên sẽ đổi được một đồng bạc, bộ nào đẹp hơn có phong cách hơn sẽ đổi được một xu vàng. Người dùng có thể sử dụng đồng xu đó để đổi lấy bộ quần áo của người dùng khác trên nền tảng. Mức phí dịch vụ và vận chuyển chỉ khoảng 1 đô.
Từ khi ra tại Ai-len và Vương quốc Anh vào năm 2021, và tại Mỹ vào tháng 4 năm nay, người dùng của Nuw đã đăng tới 50.000 sản phẩm quần áo. Trong đó có 36.000 sản phẩm đã được trao đổi thành công.
Sắp tới nền tảng này cũng đang dự định tạo ra các nhóm ở từng khu vực khác nhau để tiện cho mọi người trao đổi đồ gần nhau, giúp giảm chi phí vận chuyển.
Aisling Byrne cũng hy vọng Nuw sẽ thay đổi hành vi của mọi người về việc tiêu dùng quần áo, để giảm ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay, các trang web bán lại và cửa hàng quần áo giá rẻ đang khuyến khích chúng ta tiêu dùng quá mức. Ước tính, trung bình một người Mỹ mua tới 68 bộ quần áo mới mỗi năm. Trên toàn cầu, thị trường đồ cũ dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2027, đạt 305 tỷ USD.
Theo Byrne, “Chúng ta có thể mua đồ cũ bao nhiêu tùy thích, nhưng nếu chúng ta mua thời trang nhanh với tốc độ tương tự, thì những món đồ đó sẽ chẳng bao giờ được tái sử dụng và chỉ có thể vứt đi lãng phí.”
Mới đây nền tảng trao đổi quần áo này cũng cho biết, tỷ lệ giữ chân khách hàng của họ là 88% trong 12 tháng. Đồng nghĩa với việc là mọi người sẽ tiếp tục ở lại và sử dụng nền tảng này để trao đổi quần áo của mình. Theo Aisling Byrne: “Người dùng đang bắt đầu mua sắm quần áo cho mình theo cách hoàn toàn khác trước. Và một khi đã bắt đầu trao đổi quần áo cũ của mình họ sẽ khó mà dừng lại được”.
Có thể bạn quan tâm