Bên cạnh những quan ngại về việc khó khả thi trong thực tiễn triển khai, nhiều chuyên gia còn cho rằng, đánh thuế nhà và tài sản tiềm ẩn nguy cơ gây “méo mó” thị trường bất động sản…
>>Đánh thuế nhà và tài sản - Khó khả thi!
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các chính sách thu liên quan đến bất động sản bao gồm bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản (nếu có). Dù được đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế, và có thể đem đến những tác động trong việc ngăn chặn đầu cơ, thổi giá bất động sản, thế nhưng, ngoài việc khó khả thi nếu áp dụng tại Việt Nam, đề xuất này còn đó hàng loạt quan ngại.
Theo các chuyên gia, phần lớn người dân thu nhập trung bình, thu nhập thấp tại đô thị đang gặp khó khăn trong tiếp cận nhà ở, nhiều người thu nhập quá thấp chưa mua nổi nhà nên việc áp thuế nhà cần cân nhắc kỹ. Nhất là khi, một căn nhà chung cư bình dân, diện tích vừa phải hiện nay cũng có giá tầm 2 tỷ đồng, nếu đánh thuế nhà với những căn hộ bình dân này là đánh vào người nghèo, người thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, những người có thu nhập ở mức trung bình, thu nhập trung bình thấp sống trong những khu nhà ở bình dân, điều kiện ở chật chội đang phải đóng phí hàng triệu đồng/tháng, giờ phải đóng thêm tiền thuế nhà sẽ rất bất cập. Chưa kể, đối với đất, người dân đã phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ nhiều năm nay.
>>Đánh thuế nhà và tài sản: Lo ngại sức dân bị “bào mòn”
Thông tin với báo chí về đề xuất đánh thuế nhà và tài sản trong thời điểm hiện nay, TS Nguyễn Ngọc Tú – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm nay, Quốc hội và Chính phủ đang ban hành một loạt chính sách giảm thuế, cấp bù lãi suất… để phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, trong 2 năm này chỉ nói đến giảm thuế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm chi phí.
“Để không gây tâm lý hoang mang không cần thiết cho người dân, không thể nói đến việc tăng thuế hay đẻ thêm sắc thuế mới trong năm nay và năm sau”, ông Tú cho hay.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI, trong khi đa số người dân có thu nhập thấp và đời sống còn nhiều khó khăn, chỉ nên đánh thuế quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đối với những tài sản có giá trị cao, tức là đánh thuế đối với người giàu. Ngưỡng tính thuế có thể trên 5 tỷ đồng, còn trị giá dưới mức này thì không chịu thuế.
“Tuy nhiên, ngưỡng cụ thể là bao nhiêu, Bộ Tài chính cần tính toán nghiên cứu thận trọng cân đối rất nhiều yếu tố như an sinh xã hội… và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cơ quan, bộ ngành, địa phương và người dân. Mặt khác, cần đánh thuế lũy tiến quyền sử dụng đất và nhà giống như biểu lũy tiến thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, ai sử dụng nhiều đất, nhà với giá trị càng lớn, tiền thuế càng tăng nhưng mức đánh thuế bậc đầu tiên cần rất thấp”, Luật sư Đức chia sẻ.
Luật sư Đức cho rằng, nếu muốn đánh thuế đối với nhà, trước hết cần rà soát các chính sách thuế đối với nhà và đất. Đặc biệt là phải có cơ sở dữ liệu về nhà đất để cơ quan quản lý có thông tin căn nhà này do ai sở hữu bởi trong thực tế, ngay tại Hà Nội, nhiều nhà còn đang bị loạn cả số, nói gì đến quản lý thuế.
“Phải khẳng định mục tiêu đánh thuế nhà và quyền sử dụng đất là để tăng thu ngân sách. Còn những ý kiến cho rằng đánh thuế với nhà, quyền sử dụng đất là để góp phần ngăn chặn đầu cơ, theo tôi, là không đúng bản chất bởi trong nền kinh tế thị trường, đầu cơ là tốt, thị trường phải sôi động, có người mua, người bán. Vấn đề là cung cầu và thị trường quyết định”, Luật sư Đức nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề này, thông tin với báo chí, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên lạm phát đang có xu hướng tăng cao, nền kinh tế phát triển chậm so với những năm chưa có dịch… Ngoài ra, trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều biến động, cần xem xét thời điểm thích hợp để bàn và đưa ra thuế tài sản. Nếu đưa vào thời điểm không đúng hoặc áp thuế quá nặng sẽ gây tiêu cực.
“Cũng cần tính toán đánh thuế có làm tăng giá nhà thuê hay không, bởi người đi thuê nhà ở Việt Nam phần lớn là công nhân, lao động tự do, sinh viên… Bất động sản là một lĩnh vực rất phức tạp, nên khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, tránh đưa ra thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, không đáp ứng được mong đợi”, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Theo TS Lê Đăng Doanh, muốn đánh được thuế tài sản trước mắt cần phải kiểm soát được giao dịch bất động sản. Đến bao giờ vẫn còn tình trạng sang tay nhà đất không qua ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản…, việc đánh thuế tài sản là vô cùng khó khăn vì không thể chứng minh được họ có bao nhiêu tài sản để đánh thuế. Khi không thể biết được mỗi người có bao nhiêu bất động sản, việc đánh thuế chỉ làm “méo mó” hơn thị trường bất động sản, khiến nhà đất khan hiếm hàng hơn và người có thu nhập trung bình, dưới trung bình khó có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc đánh thuế nhà và tài sản sẽ chỉ xử lý phần ngọn chứ không xử lý được phần gốc của đầu cơ. Bởi cái gốc vấn đề là phải tạo ra thị trường minh bạch, quản lý được dòng tiền chảy vào các giao dịch bất động sản, nếu quản lý tốt dòng tiền, Nhà nước sẽ thu được nhiều thuế từ các giao dịch mà không cần đánh thuế. Ngược lại nếu áp thuế đồng loạt, khách hàng và người dân sẽ là người gánh chịu bởi sau cùng, chủ đầu tư, người kinh doanh sẽ tính tiền thuế vào giá bán, giá nhà đất sẽ không giảm mà còn có khả năng tăng cao.
Có thể bạn quan tâm
Đánh thuế nhà và tài sản: Lo ngại sức dân bị “bào mòn”
04:10, 11/03/2022
Đánh thuế nhà và tài sản - Khó khả thi!
04:00, 10/03/2022
Bộ Tài chính xin ý kiến đánh thuế bất động sản
16:36, 02/03/2022
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Có nên đánh thuế để hạn chế dự án treo?
05:00, 19/02/2022
Đánh thuế để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" bất động sản
02:30, 07/02/2022