Chứng khoán

Đầu tư trong biến động: Chọn "la bàn" cho danh mục để phòng tránh rủi ro

Diễm Ngọc 06/05/2025 04:34

Theo chuyên gia quản lý quỹ, giữa biến động thuế quan, nhà đầu tư cần xác định "chiếc la bàn", định hướng cho danh mục trên cơ sở phân tích dữ liệu và tiếp cận linh hoạt.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động khó lường, đặc biệt là sau những thay đổi bất ngờ từ chính sách thuế của Mỹ, nhà đầu tư không chỉ đối mặt với rủi ro thị trường mà còn phải đưa ra quyết định chiến lược trong điều kiện thiếu chắc chắn.

ccp.jpg
Trên thị trường tài chính, tình hình dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận nhiều chuyển biến đáng chú ý. (Ảnh minh họa)

Đợt điều chỉnh thuế quan gần đây do chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố là một ví dụ điển hình cho loại rủi ro không thể dự đoán trước, tạo ra những cú sốc lan rộng đến cả thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam. Theo đại diện công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), việc thay đổi chính sách thuế lần này là một sự kiện mà không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới cũng không ai dự đoán được trước. Điều này buộc các nhà đầu tư phải nhìn lại cách thức quản lý tài sản, cũng như những giả định trước đó về độ ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, giới đầu tư chuyên nghiệp sẽ không để hoảng loạn chi phối quyết định.

Bà Dương Kim Anh, Giám đốc Đầu tư VCBF chia sẻ thực tế năm nào cũng có tin xấu, chỉ là mức độ tiêu cực của mỗi năm khác nhau, việc điều chỉnh danh mục đầu tư là cần thiết, trong đó chiến lược là giảm tỷ trọng cổ phiếu ở những công ty chịu ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời tăng tỷ trọng tại các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt hơn.

Trên thị trường tài chính, tình hình dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận nhiều chuyển biến đáng chú ý. Trong những tháng đầu năm, ngay cả trước khi chính sách thuế mới được công bố, đã có làn sóng chuyển dịch từ quỹ cổ phiếu sang quỹ trái phiếu. Tuy nhiên, số liệu thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý I/2025 lại cho thấy một sự chững lại bất ngờ: giá trị phát hành mới thấp nhất trong vòng 5 năm qua, chỉ có hai đợt phát hành được công bố với giá trị 2.000 tỷ đồng, chủ yếu do thiếu các hoạt động phát hành riêng lẻ. Điều này, không hẳn xuất phát từ yếu tố thuế quan vốn mới xuất hiện từ tháng 4, mà là hệ quả của quy định pháp lý hiện hành, như việc buộc phải có báo cáo kiểm toán sớm và thời hạn phân phối trái phiếu rút ngắn từ 90 ngày còn 30 ngày theo Nghị định 153.

Dù vậy, thị trường có thể sẽ hồi phục mạnh mẽ từ quý II, khi hàng loạt doanh nghiệp hoàn tất kiểm toán và lên kế hoạch phát hành. VCBF đã bắt đầu nhận được các chào bán từ những đơn vị phát hành dự kiến vào tháng 5 và 6. Tình hình này làm dấy lên kỳ vọng thị trường sẽ sôi động trở lại, nhất là khi nhiều doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng để chờ chính sách rõ ràng hơn, đồng nghĩa với việc một khi chính sách được làm rõ, dòng vốn có thể sẽ được giải ngân nhanh chóng trở lại.

Hiện nay, thị trường TPDN cần giải quyết nhiều vấn đề mang tính cấu trúc
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ hồi phục mạnh mẽ từ quý II, khi hàng loạt doanh nghiệp hoàn tất kiểm toán và lên kế hoạch phát hành

“Ở góc độ chiến lược đầu tư, VCBF đã phân nhóm các ngành thành hai loại: nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nhóm bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong đó, các ngành như dệt may, da giày, gỗ và thủy sản là những ngành đối mặt trực diện với chính sách thuế mới, do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao. Nhưng hiện nay trình độ ngành dệt may Việt Nam đã tương đối tốt và dù hiện tại Bangladesh có mức thuế ưu đãi hơn, song với các đơn hàng yêu cầu độ khó và độ tinh xảo cao, việc chuyển đơn hàng sang quốc gia này là không dễ dàng.

Ngoài ra, tính chất đặc thù của các ngành như dệt may, vốn thâm dụng lao động và khó tự động hóa khiến cho khả năng chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ trở nên khó khả thi. Do đó, dù bị ảnh hưởng trực tiếp thì mức độ ảnh hưởng sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành. Việc đánh giá cụ thể từng công ty, bao gồm cơ cấu xuất khẩu, thị trường trọng điểm và khả năng chịu đựng biến động trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược đầu tư”, bà Dương Kim Anh bày tỏ lạc quan.

Cũng theo vị chuyên gia, bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành khác cũng chịu tác động tiêu cực ngay lập tức, khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài chững lại trong việc ký kết hợp đồng thuê đất do lo ngại thuế quan. Nhiều mã cổ phiếu trong nhóm này đã giảm sàn liên tiếp và vẫn chưa hồi phục. Song, VCBF chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp đã lấp đầy diện tích thuê, ký hợp đồng với nhà đầu tư từ trước, nên mức độ ảnh hưởng là không giống nhau.

Với các ngành như tiêu dùng, bán lẻ hay ngân hàng thì chịu ảnh hưởng gián tiếp. Riêng với ngân hàng, ảnh hưởng chỉ xảy ra nếu doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ mà phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là nhóm FDI lại vay vốn từ công ty mẹ ở nước ngoài chứ không phải ngân hàng nội địa. Tỷ trọng cho vay trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu trong danh mục của các ngân hàng thương mại Việt Nam là không lớn so với tổng dư nợ.

Có thể nói, các nhà đầu tư dù lựa chọn kênh đầu tư nào - cổ phiếu hay trái phiếu, chúng ta đều cần chọn lọc kỹ càng. Đặc biệt, việc đầu tư theo cảm tính như chuyển toàn bộ danh mục sang trái phiếu vì cho rằng “an toàn hơn” là điều nên tránh. Mỗi doanh nghiệp có một mức độ nhạy cảm với thị trường khác nhau. Nếu không có đủ thông tin và phân tích chuyên sâu, lựa chọn đầu tư qua chứng chỉ quỹ vẫn là con đường hợp lý.

Giữa những làn sóng chính sách khó lường, sự tỉnh táo, phân tích dựa trên dữ liệu và cách tiếp cận linh hoạt là “chiếc la bàn” quan trọng giúp nhà đầu tư định hướng danh mục hiệu quả. Chính trong những thời điểm nhiều biến động nhất, các quyết định có cơ sở lại là yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn khó khăn và nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư trong biến động: Chọn "la bàn" cho danh mục để phòng tránh rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO