Quần thể Di tích Cố đô Huế là tài sản vô giá của quốc gia và cùng với Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá của nhân loại.
Bảo tồn toàn vẹn Di sản văn hoá Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hoá của dân tộc, đồng thời góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hoá nhân loại.
Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời phải tuân thủ công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hoá nhân loại mà Chính phủ ta đã công nhận.
Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm, chùa quán, cầu cống... Di sản văn hoá Huế là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động trải qua bao thế hệ un đúc tập thành, của những tài năng xuất chúng, những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ.
Thành phố Huế là sự mẫu mực kết hợp hài hoà giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, là điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hoá, một loại hình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và giàu tính nhân văn. Đặc điểm này đặt ra một yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.
Điểm đặc thù của Huế là tổng thể Di tích Cố đô tồn tại trong lòng đô thị mới. Trong khi không ít các cố đô trong nước và trên thế giới hoặc bị mai một hoặc bị hiện đại hoá, hoặc tồn tại biệt lập ngoài thành phố, thì ở Huế, cố đô đang chung sống với thành phố trẻ đang phát triển đi lên hiện đại. Chính vì vậy phải "kết hợp chặt chẽ hài hoà trong việc cải tạo xây dựng đô thị và việc bảo vệ trùng tu, tôn tạo khôi phục và làm sống lại Di sản kiến trúc, văn hoá, lịch sử của dân tộc và nhân loại, bảo vệ và cải thiện cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm tỷ lệ và mật độ tầng cao hợp lý, giữ gìn kiểu nhà vườn và phong cách độc đáo của kiến trúc Cố đô”(trích Quyết định số 605/TTg ngày 20/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể thành phố Huế).
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ, sức hấp dẫn lớn của Huế là trải qua bao biến thiên lịch sử Huế vẫn bảo tồn được chân dung của một kinh đô, bảo tồn được một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh vi, tuyệt mỹ, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hoà quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và về văn hoá nghệ thuật. Đó chính là nhân tố chủ yếu cấu thành đặc thù của Huế, là nền tảng để Huế trở thành trung tâm văn hoá du lịch của cả nước. Đó hiển nhiên là một thế mạnh về văn hoá và đang trở thành một thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế để trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hoá phong phú và đặc sắc vừa kế thừa truyền thống văn hoá Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa, Văn hóa Phú Xuân - Huế. Chính vì lẽ đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới vào ngày 11/12/1993 là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam
Giải quyết vấn đề bảo tồn và phát triển ở Huế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do Huế là một thành phố văn hoá lịch sử, hệ thống di tích vô cùng phong phú và phân bố trên diện rộng, công tác bảo tồn phải phù hợp để không níu kéo sự phát triển và ngược lại sự phát triển phải không làm mất đi các di tích cũng như phá vỡ các giá trị truyền thống.
Qua thực tiễn công tác bảo quản tu bổ phục hồi các công trình di tích đã xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành với trình độ chuyên môn cao; lực lượng tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích bao gồm các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: bảo tồn, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, khảo cổ, mỹ học, nhân văn ... ; lực lượng tư vấn lập dự án, giám sát và thi công đã tích luỹ và đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Việc khôi phục các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các loại hình văn hóa truyền thống, giữ gìn nét đặc trưng văn hóa và nếp sống của người dân Huế... có tầm quan trọng đặc biệt vì đó là những giá trị bền vững về văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô. Đó cũng là tiền đề để công cuộc tôn tạo, phát huy di sản văn hóa vật thể được thực hiện có bài bản, đảm bảo cho công tác xây dựng và quản lý đô thị đi dần vào nề nếp.
Định hướng xã hội hóa công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế trên cơ sở quy họach, kế hoạch theo quy định của Nhà nước sẽ tạo điều kiện và môi trường cho các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng cùng tham gia vào công cuộc bảo vệ di sản văn hóa Huế, góp phần làm tăng thêm sản phẩm thu hút khách tham quan du lịch đến Huế ngày càng tăng.