Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phải tự cường đứng trên đôi chân của mình!

NGUYỄN VIỆT 05/12/2021 21:10

Chúng ta phải tự cường đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp.

>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Bình thường mới" cần thể chế mới!

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”, ngày 5/12.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng Diễn đàn đầy ắp thông tin về tình hình thế giới, trong nước, không chỉ vấn đề phòng, chống dịch bệnh mà còn cả vấn đề về tăng trưởng phát triển kinh tế ở các nước.

Diễn đàn mở, đa chiều và toàn diện

Rút kinh nghiệm về các chính sách tài khoá tiền tệ, chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện VCCI, của các hợp tác xã và trực tiếp của một số doanh nghiệp.

Chia sẻ giữa Trung ương và địa phương, trong nước và ngoài nước, giữa chuyên gia trong nước và nước ngoài, giữa các học giả, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách và đối tượng thụ hưởng chính sách. “Diễn đàn của chúng ta rất mở, đa chiều và rất toàn diện”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tác động của đại dịch Covid-19 là bất ngờ, chưa có tiền lệ và cũng không lường trước được bao giờ thì chấm dứt, ngoài Omicron thì còn biến thế nào, tốc độ lây lan, độc dược ra sao... Những câu chuyện này vẫn còn ở phía trước. Đặc biệt đại dịch đã gây ra tổn thất rất nặng nề và sâu rộng cho các nước trên thế giới mà Việt Nam không là ngoại lệ.

Đề cập đến những thiệt hại do Covid-19 gây ra của Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, trong 2 năm chúng ta thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng, chưa tính những thiệt hại khác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt cần thiết phải có giải pháp đột phá với cơ chế khác trong điều kiện bình thường. Theo đó, cần tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên nhiều hơn cho tổng cung, phối hợp chặt chẽ, hài hoà cả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kinh nghiệm thế giới thì quy mô chính sách tài khóa chiếm khoảng 65% và chính sách tiền tệ khoảng 35%.

Chúng ta cần có gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý, thời điểm phù hợp có lộ trình khoảng 2 năm 2022 và 2023 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024 với những mục tiêu dài hạn và những dự án đầu tư công.

Phải có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi, nhanh chóng kịp thời, vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân doanh nghiệp, hợp tác xã, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn phục hồi kinh tế vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tham gia thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (giữa) tham gia thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.

“Như đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, vĩ mô giữ được là rất lâu dài và rất khó, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh, rất dễ. Ta phải thấm thía điều này, mất ổn định vĩ mô là mất hết. Do đó giải pháp trước mắt phải gắn với lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chia sẻ về những đánh giá của các đại biểu khi cần thiết phải có chính sách hỗ trợ và sớm thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, theo Chủ tịch Quốc hội, điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ cải cách, tăng cường niềm tin của người dân doanh nghiệp, và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức và cộng đồng quốc tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế, đầu tư thương mại giữa các nước với Việt Nam.

Các chính sách tổng thể tập trung hỗ trợ phục hồi các ngành và lĩnh vực quan trọng và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chuẩn bị năng lực đầu tư, tạo điều kiện phục hồi kinh tế, đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành lĩnh vực tăng trưởng cao và có tính dài hạn trong việc cải cách thể chế hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, đối với kết cấu hạ tầng logicstic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh... Các chính sách cần xác định đúng và trúng đối tượng, tạo ra tác động lan toả kích thích phục hồi kinh tế và đảm bảo hiệu quả của dòng vốn đầu tư.

Có nhiều ý kiến thảo luận trao đổi về giải pháp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới, trong điều kiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đối với chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch Quốc hội khái quát có một số quan điểm lớn.

>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế

Khái quát một số vấn đề lớn

Một là, cần bám sát chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa Kết luận lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, trong đó bảo đảm tính nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế Việt Nam.

Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Hai là, tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, vì hiện nay kể cả cầu của nền kinh tế cũng rất yếu. Tập trung tăng tổng cung và tổng cầu vì hiện nay “cầu” của nền kinh tế rất yếu. 11 tháng qua, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm 8,7% trong khi bình thường tăng 12-14%.

Trong đó, cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, cho người sử dụng lao động, giảm thuế, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cầu là kích cầu thị trường, kể cả thị trường dịch vụ hàng hóa và kích cầu đầu tư trong nước của mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế.

Ba là, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, như chính sách thương mại.

Bốn là, quy mô phải đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, nếu không đủ liều lượng sẽ không giải quyết được những vấn đề cấp bách, không tạo ra được sự thay đổi, không khéo sẽ gây ra lãng phí. Ở đây có quan hệ giữa lượng và chất, đến một mức độ nào đó về lượng thì mới thực sự trở thành chất, thế giới cũng như thế.

Năm là, chương trình được thiết kế khả thi và thực hiện nhanh, nguồn lực đưa ra thì phải có khả năng hấp thụ ngay. Một trong những điểm nghẽn của chúng ta là khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Các đại biểu đã chỉ ra tốc độ tăng trưởng của tín dụng cũng như các vấn đề liên quan đến thực thi trong giải ngân đầu tư công, triển khai các dự án khác của các thành phần kinh tế. Không chỉ đầu tư công mà đầu tư tư nhân cũng rất chậm, vướng mắc. Vì vậy, cần cải thiện cả năng lực hấp thụ của nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Sáu là, có thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm, 2022-2023, đặt ra yêu cầu tập trung nguồn lực để phục hồi và kích thích kinh tế.

Bảy là, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng. Việc thực hiện chính sách và bảo đảm an toàn cho nền kinh tế do vậy cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách và lưu ý đến độ trễ của chính sách. Có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn.

Ví dụ, tăng bội chi, tăng trần nợ công, lạm phát có thể không kiểm soát từng năm, mà có thể kiểm soát theo lạm phát mục tiêu. Nhưng trong cả một giai đoạn thì phải bảo đảm được chỉ số an toàn của tài chính và tiền tệ quốc gia, nhất là khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước.

Tám là, huy động, quản lý, phân bổ các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực và lợi ích nhóm. Như vậy cần có thiết chế giám sát, kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau.

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Bình thường mới" cần thể chế mới!

    18:02, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tăng cường giám sát “từ xa, từ sớm” các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

    15:53, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế

    15:49, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Quán triệt hai quan điểm khi đưa ra chính sách

    14:17, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Đề xuất các gói hỗ trợ khoảng 666.000 tỷ đồng

    12:47, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Tạo đột phá cho đầu tư công

    12:21, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Công khai chính sách để doanh nghiệp tiếp cận thông tin

    11:16, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Chính sách phải xuất phát từ “hơi thở” cuộc sống!

    10:12, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Việt Nam cần có gói hỗ trợ đặc biệt để không bị lỡ nhịp"

    08:55, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Đòn bẩy" phục hồi!

    05:29, 05/12/2021

  • Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

    05:00, 05/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phải tự cường đứng trên đôi chân của mình!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO