Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 có mức thặng dư trị giá 1,52 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đạt 54,32 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 26,55 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước (tương ứng giảm 3,1 tỷ USD); nhập khẩu đạt 27,77 tỷ USD, giảm 2,4% (tương ứng giảm 682 triệu USD).
Trong 4 tháng/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD.
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,22 tỷ USD. Tính trong 4 tháng/2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,63 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 37,29 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 4 tháng/2021 đạt 145,97 tỷ USD, tăng 34,8%, tương ứng tăng 37,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 19,41 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 lên 78,35 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 đạt 17,88 tỷ USD, giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 đạt 67,61 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 có mức thặng dư trị giá 1,52 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 4 tháng/2021 lên mức thặng dư trị giá 10,74 tỷ USD.
Như vậy, trong mức tăng trưởng chung, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu.
Điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng là 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất trị giá xuất khẩu các mặt hàng này lại thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhóm phân tích CTCK VDSC cho rằng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng điện tử thường biến động theo hoạt động của các nhà đầu tư FDI lớn tại Việt Nam, dữ liệu thương mại trong quý I/2021 cho thấy mặc dù dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn bị chi phối bởi các nhà đầu tư lớn nước ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày;..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; cùng đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững. Điều này khiến động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đổi diện với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, sau quý đầu năm, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng nước ta sẽ về đích 600 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021.
Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA…sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh như gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu…sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu phía Nam kêu cứu vì bị “phân biệt đối xử”?
11:00, 04/05/2021
Môi trường kinh doanh: Lĩnh vực xuất nhập khẩu liên tục có sự cải thiện
04:30, 21/04/2021
Doanh nghiệp vẫn “khổ” vì thủ tục xuất nhập khẩu
04:40, 19/04/2021
Tín hiệu tích cực trong xuất nhập khẩu hàng hóa dịp đầu năm 2021
02:00, 19/02/2021