Chuyên đề

Chênh lệch tỷ giá và lãi suất, Việt Nam vẫn giữ thế cân bằng chiến lược

Diễm Ngọc 01/05/2025 04:23

Dù đồng đô la Mỹ suy yếu, tỷ giá VND/USD tăng do chênh lệch lãi suất cùng các biến động quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động trong ổn định vĩ mô cùng định hướng hỗ trợ tăng trưởng.

Đồng USD giữ xu hướng giảm

Ngày 30/4, chỉ số DXY đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt đã dừng ở mức 99,18 - tăng 0,87 điểm so với ngày 29/4/2025. Theo Reuters, đồng USD nhích lên nhưng vẫn đang trên đà ghi nhận mức giảm hai tháng lớn nhất trong hơn 20 năm qua, khi các kế hoạch chi tiêu tài khóa của Đức thúc đẩy đồng euro, còn các chính sách kinh tế của Mỹ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào đồng bạc xanh.

Chỉ số DXY giảm không đơn thuần là chỉ số kỹ thuật, mà là dấu hiệu đồng USD đang yếu đi rõ rệt so với các đồng tiền giao dịch toàn cầu chính
Ngày 30/4, đồng USD nhích lên nhưng vẫn đang trên đà ghi nhận mức giảm hai tháng lớn nhất trong hơn 20 năm qua

Tuy nhiên tại thị trường Việt Nam, tỷ giá vẫn vượt mốc 26.000 VND/USD, gây lo ngại khi kỳ vọng về sự suy yếu của đồng USD lẽ ra sẽ kéo theo áp lực giảm lên tỷ giá tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Chuyên gia tại AFA Capital giải thích, một điểm cần làm rõ về bản chất của DXY là chỉ số đo lường giá trị đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền mạnh khác gồm euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ. Như vậy, DXY không phản ánh trực tiếp mối tương quan giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam, điều này lý giải vì sao dù DXY giảm, tỷ giá USD/VND vẫn tăng.

Tính đến cuối tháng 4/2025, chỉ số DXY đã giảm khoảng 4,25% kể từ đầu tháng và 8,88% so với đầu năm. Đây là một mức giảm đáng kể, phản ánh xu hướng suy yếu rõ rệt của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Song, nguyên nhân đằng sau sự suy yếu này không đơn thuần đến từ chính sách lãi suất - yếu tố thường được cho là chi phối giá trị đồng tiền, mà còn từ các động thái kinh tế và chính trị khó đoán từ phía Mỹ.

Hiện tại, dù lãi suất liên bang của Mỹ vẫn ở mức cao, dao động từ 3,5% - 3,75% so với châu Âu (đã giảm từ 3% xuống 2,25%) và Anh (từ 4,75% xuống còn 4,25%), đồng USD lại không giữ được sức mạnh tương ứng. Điều này đi ngược lại lý thuyết truyền thống rằng lãi suất cao hơn sẽ thu hút dòng vốn, từ đó làm tăng giá trị đồng tiền. Thực tế theo nhiều chuyên gia, Mỹ đang cố tình làm suy yếu đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất nội địa.

Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vì chậm trễ trong việc hạ lãi suất. Ông cho rằng nếu Fed không hành động, đồng USD sẽ vẫn duy trì ở mức cao, gây bất lợi cho xuất khẩu. “Châu Âu đã hạ lãi suất 7 lần, còn Mỹ thì vẫn chưa làm gì”, ông Trump nhấn mạnh trong một tuyên bố gần đây và cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell đã không điều chỉnh chính sách tiền tệ đủ nhanh để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích nếu không thể hạ lãi suất, một trong những giải pháp để khiến đồng bạc xanh yếu đi là Mỹ áp dụng các chính sách thuế quan nhằm cân đối thương mại. Tình huống này nhớ đến Hiệp định Plaza năm 1985, khi Mỹ phối hợp với các nền kinh tế lớn khác để chủ động làm giảm giá đồng USD đến 40% trong vòng 2 năm, nhằm đối phó với thâm hụt thương mại.

“Tuy nhiên, sự khác biệt lớn giữa thời kỳ Plaza và hiện tại nằm ở tính hệ thống. Việc đồng USD giảm giá hiện nay không đến từ một thỏa thuận quốc tế được phối hợp chặt chẽ, mà là kết quả của những quyết sách chính trị bất ngờ và thiếu nhất quán. Nghĩa là ông Trump đã đạt được mục tiêu làm đồng USD yếu đi, nhưng không theo cách hệ thống như Hiệp định Plaza, mà bằng những thay đổi chính sách chóng vánh khiến niềm tin suy giảm.

Sự suy giảm niềm tin này có thể lý giải cho việc các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo đồng USD, chuyển sang các tài sản an toàn hơn như euro, franc Thụy Sĩ hay vàng. Từ đó, càng gây áp lực lên DXY và tỷ giá ở các thị trường khác”, ông Tuấn so sánh.

Việt Nam nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng

Cũng theo vị chuyên gia, với Việt Nam, tỷ giá trung tâm đã tăng 2,54% từ đầu năm đến nay, mức tăng khá mạnh chỉ trong vòng 1 quý. Tỷ giá trên thị trường tự do đã vượt mốc 26.000 đồng/USD, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh theo, cho thấy áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu dù DXY giảm.

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tương đương gần 20 tỷ USD không đơn thuần là biện pháp tài chính, mà còn là chỉ dấu về định hướng chiến lược của Chính phủ trong giai đoạn tới
Việc kiểm soát tỷ giá không chỉ là mục tiêu của chính sách tiền tệ, mà còn là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2025

Một phần nguyên nhân nằm ở cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm của Việt Nam. Cơ chế này dựa trên ba trụ cột: Một là, diễn biến trên thị trường ngoại tệ; Hai là giỏ 8 đồng tiền chính gồm USD, euro, Nhân dân tệ, yên Nhật, đô la Singapore, won Hàn Quốc, đô la Đài Loan và baht Thái Lan; Ba là yếu tố cân đối vĩ mô. Điều này khiến tỷ giá trung tâm không hoàn toàn phụ thuộc vào đồng USD.

Như vậy, dù USD và Nhân dân tệ có giảm, nhưng euro lại tăng mạnh do nhà đầu tư chuyển sang tài sản an toàn, khiến một số doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Âu gặp khó khăn vì rủi ro tỷ giá không được kiểm soát tốt. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất cũng gây áp lực đáng kể. Tính đến ngày 26/4, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam giảm còn 2,53%, trong khi tại Mỹ vẫn duy trì mức 4,6% - 4,7%. Chênh lệch âm này khiến các dòng vốn có xu hướng dịch chuyển ra nước ngoài, gia tăng áp lực lên tỷ giá trong nước.

“Đây được cho là hiện tượng mang tính thời điểm, liên quan đến kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến thanh khoản trong hệ thống dư thừa chưa được giải ngân. Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra khoảng 95.545 tỷ đồng cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào.

Về yếu tố cán cân thương mại, tính đến cuối tháng 3/2025, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 1,63 tỷ USD, với xuất khẩu đạt 38,51 tỷ USD và nhập khẩu ở mức 36,88 tỷ USD. Đặc biệt, trong kỳ đầu tháng 4, xuất khẩu giảm mạnh 18,3% trong khi nhập khẩu chỉ giảm 2,4%, khiến cán cân chuyển sang âm khoảng 2 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu ngoại tệ thực tế trong nền kinh tế vẫn cao, góp phần đẩy tỷ giá tăng bất chấp xu hướng suy yếu toàn cầu của đồng đô la Mỹ”, CEO AFA Capital cho hay.

Trên thị trường tài chính, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng tỷ giá tăng sẽ làm tăng lạm phát dẫn tới không thể hạ lãi suất được, nhưng ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng năm nay, chúng ta không nên quá lo lắng về vấn đề này. Với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 8%, thì mỗi quý còn lại phải tăng tới 8,36%. Để đạt được điều đó, chính sách tiền tệ buộc phải đóng vai trò hỗ trợ.

Trong khi thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực duy trì thanh khoản và giữ định hướng hỗ trợ tăng trưởng. Nếu Fed thực sự hạ lãi suất vào giữa năm, Việt Nam cũng có thể có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với “khó khăn kép”: tăng trưởng cao và bối cảnh quốc tế bất ổn.

Đáng chú ý, chính sách tài khóa cũng được điều chỉnh tích cực với việc đẩy mạnh đầu tư công – một minh chứng cho sự phối hợp giữa các trụ cột điều hành kinh tế. Rõ ràng, việc kiểm soát tỷ giá không chỉ là mục tiêu của chính sách tiền tệ, mà còn là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chênh lệch tỷ giá và lãi suất, Việt Nam vẫn giữ thế cân bằng chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO