Bộ GTVT cho biết tiếp tục tính toán chi tiết hơn về chi phí đầu tư, khai thác, vận hành khi đặt ga hay không đặt ga, đảm bảo đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ "thẳng nhất có thể".
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam (đường sắt cao tốc Bắc - Nam) là một trong những dự án hạ tầng lớn và quan trọng nhất của Việt Nam trong thập kỷ tới. Dự án vừa hoàn thành thẩm định, thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến tiếp theo sẽ Trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý IV/2024.
Theo ông Đào Ngọc Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đại diện tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, qua 20 địa phương.
Tuyến được xây dựng đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến phê duyệt chủ trương đầu tư quý IV/2024. Lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi từ năm 2025-2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án năm 2027. Phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Trên tuyến bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Việc bố trí ga căn cứ vào yếu tố quan hệ giữa tốc độ và cự ly ga dừng hợp lý, với tốc độ 350km/h thì khoảng cách hợp lý là hơn 50km có một ga. Cùng đó, vị trí đặt ga phải phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch của địa phương. Ưu tiên tiếp cận các đô thị trung tâm hiện hữu, khu vực quy hoạch có tiềm năng phát triển mới, có khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông khác, khai thác hiệu quả hạ tầng và phương tiện.
Tuy nhiên, theo tư vấn, trong tương lai, khi địa phương hình thành đô thị có quy mô dân số đủ lớn, khoảng cách đảm bảo khai thác sẽ nghiên cứu bổ sung ga và giao cho các địa phương hoặc nhà đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Khảo sát thực tế dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam qua các tỉnh từ Hà Nội đến Nam Định, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng, trước khi báo cáo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua, cần làm rõ các nội dung như: Hướng tuyến, TOD, vị trí đặt nhà ga sao cho khai thác vận tải hiệu quả, vấn đề kết nối với hạ tầng giao thông, phương thức vận tải khác. Đồng thời, tiến độ cần xem xét trong tổng thể nhu cầu bố trí vốn các dự án khác, cần có thứ tự ưu tiên cũng như có phương án để triển khai sớm công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
"Bộ GTVT cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, ngoài ra còn các vấn đề như đi cầu cạn qua địa phương, điều chỉnh quy hoạch để phát triển TOD, phương án duy tu, bảo trì… sao cho đảm bảo hiệu quả về đầu tư, chi phí", ông Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, về vị trí bố trí ga, căn cứ vào dự báo nhu cầu, coi các ga là điểm khống chế, từ đó xác định các yếu tố liên quan. Hướng tuyến, vị trí ga đều đã được cập nhật theo quy hoạch quốc gia, của địa phương.
Như tại Hà Nội, hiện ga Thường Tín là ga hàng, đầu mối phía Bắc, bao gồm cả đường sắt tốc độ cao và đường sắt hiện hữu. Toàn bộ khu vực Phú Xuyên dành khoảng 200ha cho phát triển công nghiệp đường sắt. Còn tại khu tổ hợp Ngọc Hồi, sẽ đặt ga khách.
Để làm rõ hơn phương án hướng tuyến, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tính toán chi tiết hơn về chi phí đầu tư, khai thác, vận hành khi đặt ga hay không đặt ga, đảm bảo "thẳng nhất có thể".
Về phương án tuyến đi trên cao, vượt qua nhiều quốc lộ và đường sắt hiện hữu, Thứ trưởng Huy cho biết, đặc trưng của đường sắt tốc độ cao là đi trên cao. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng chủ yếu đi trên cầu cạn để giảm diện tích chiếm dụng đất, tránh chia cắt cộng đồng và ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhất là khu vực miền Trung.
Liên quan đến phát triển mô hình TOD (Transit Oriented Development) tại các khu ga, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho hay, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT xác định ga có 3 khu là Khu chức năng, khu thương mại, khu TOD. TOD giao địa phương thực hiện.
Về cơ chế, đề xuất nguồn thu từ phát triển TOD sau khi trừ đi chi phí giải phóng mặt bằng sẽ được giữ lại 50% và nộp Trung ương 50%. Đồng thời cho biết Bộ GTVT tiếp thu ý kiến và tiếp tục làm rõ, chi tiết.