Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam chốt thời gian “bấm nút” khởi công vào ngày 19/8, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.
Tại Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào 19/8/2025, hoàn thành chậm nhất vào cuối 2026.
Hai tuyến đường sắt chiến lược này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng đầu tư hơn 75 tỷ USD. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 67,3 tỷ USD. Tuyến có chiều dài tuyến 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh, thành, tốc độ thiết kế 350 km/h. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư cho các tuyến đường sắt chiến lược này và vẫn đang chờ được phê duyệt.
Nhận định về quy mô dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư Dragon Capital, đơn vị quản lý quỹ đầu tư quy mô 6 tỷ USD và có lịch sử gắn bó lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cho rằng đây là bước khởi đầu - cơ sở nền quan trọng cho bức tranh một cường quốc Việt Nam từ 2030+, tức sau năm 2030 với tầm nhìn xa hơn mà đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ xác định ngay từ bây giờ cho sự chuyển dịch tư duy của đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Theo ông Tuấn, đây là minh chứng cho sự dịch chuyển về cơ sở hạ tầng của Việt Nam - một cơ sở hạ tàng mà khi có tuyến cao tốc, sẽ được phát triển hơn, và đáng nói hơn là có sự chung sức, cộng hưởng giá trị, với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.
“Trong các kế hoạch hiện tại, chúng ta có thể hình dung một bức tranh tương lai về hạ tầng hiện đại, toàn diện, đồng bộ và chuẩn quốc tế mà đất nước ta đang tiến tới rất gần. Đó là tới năm 2030 - 2040, Việt Nam sẽ có đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị metro, kết nối sân bay quốc tế, hệ thống các cái cảng nước sâu. Về con số cụ thể, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu ở châu Á với 5.000 km2 đường cao tốc, trải dọc theo chiều dài đất nước. Và nếu hoàn thiện vào 2040 thì chúng ta sẽ là quốc gia thứ 2 trong khu vực, sau Hàn Quốc có 3.000km đường sắt cao tốc. Đó là dự án minh chứng cho dấu ấn của một quốc gia hiện đại”, bà Đặng Nguyệt Minh, CFA, Giám đốc Khối Phân tích cũng từ Dragon Capital nhận định.
Về hiệu suất, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh quy mô đầu tư tương đồng với tuyến đường của Bắc Kinh - Thượng Hải, lượng hành khách khai thác dự phóng lên tới 11 triệu người (của tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải vào là 9 triệu người), kỳ vọng mang đến hiệu ứng kinh tế cho tăng trưởng nội sinh vượt trội.
“Dự án sẽ không chỉ thay đổi cấu trúc vành đai đô thị, hình thành các đô thị vệ tinh, mở ra nhiều cổng du lịch mà thay đổi cả về vấn đề các cụm kinh tế, khu công nghiệp, chi phí logistics… và tạo ra những giá trị kinh tế trực diện cho đất nước ngay trong những giai đoạn xây dựng đến khi hoàn thành và đi vào khai thác. “Đây chính là một trong những động cơ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất để trở thành cường quốc tương lai”, ông Lê Anh Tuấn nhận định.