Mô hình đang có ít sự cạnh tranh và đánh đúng nhu cầu một bộ phận khách hàng cụ thể đã giúp Kamereo từng bước đi đến thành công như hôm nay.
Trong vòng gọi vốn Series A, chuỗi cung ứng sản phẩm B2B Kamereo đã gây chú ý khi huy động được 4,6 triệu USD tiền vốn đầu tư.
Kamereo thành lập năm 2018, có trụ sở tại TP.HCM, với người sáng lập kiêm CEO là anh Taku Tanaka - cựu COO của Pizza 4P’s. Mô hình hoạt động của Kamereo là nền tảng B2B cung cấp thực phẩm, nguyên liệu B2B, trực tiếp từ nông trại đến các nhà hàng, khách sạn, thậm chí siêu thị.
Đặc biệt, Kamereo được coi là đơn vị đầu tiên trong mô hình này ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa việc tìm kiếm nguồn hàng và giao dịch mua hàng.
Trong năm 2020, dù đối mặt với những đợt giãn cách xã hội lớn, thế nhưng Kamereo vẫn ghi nhận những chỉ số tăng trưởng đáng mơ ước, khoảng 15% mỗi tháng. Thậm chí trong một cuộc phỏng vấn, CEO Tanaka chia sẻ Kamereo đã tăng trưởng gấp 5 đến 6 lần.
Trước khi thành lập Kamereo, Tanaka đã có thời gian làm việc tại Pizza 4P’s dưới cương vị COO và nhận ra nhiều điều về thị trường F&B tại Việt Nam.
Theo Tanaka, có khoảng 95% các cơ sở nhà hàng hiện nay tại Việt Nam đều theo quy mô nhỏ lẻ. Và quy mô này dẫn đến 3 khó khăn thường gặp ở các cơ sở này.
Thứ nhất, vì là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, vậy nên họ chỉ nhập lượng hàng nhỏ. Mà lượng hàng nhỏ thì chỉ có thể lấy từ các chợ đầu mối hoặc siêu thị, chứ không phải từ những nhà cung cấp sát gốc, chẳng hạn nông trại. Và chắc chắn giá cả sẽ cao hơn nhiều.
Thứ hai, dù là kinh doanh nhỏ lẻ, thế nhưng nguyên liệu, thực phẩm sử dụng tại các nhà hàng đều cần ở mức trên trung bình. Do đó họ không thể “vơ đại” ở chợ/siêu thị, mà cần một bộ phận tìm nguồn cung đủ chất lượng. Thế nhưng không phải nhà hàng nào cũng làm được. Chủ nhà hàng có thể giỏi nấu nướng, giỏi phục vụ, v.v… Nhưng tìm nguồn hàng, thương thảo giá cả lại là một câu chuyện khác.
Thứ ba, ít quan trọng hơn nhưng cũng cần nhắc đến. Đó chính là không phải chủ nhà hàng nào cũng rành (hoặc có thời gian mày mò) công nghệ và có máy tính để bàn. Vậy nên dùng công nghệ ở một mức độ vừa phải mới phù hợp với họ.
Và đó chính là nơi khởi đầu Kamereo. Kamereo trở thành nền tảng trung gian, kết nối chủ nhà hàng và các nông trại. Tầm nhìn doanh nghiệp đưa ra rõ ràng: tái định nghĩa lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Mục tiêu là giúp các chủ nhà hàng yên tâm làm công việc chính của họ (nấu nướng, phục vụ), còn Kamereo sẽ tập trung tìm kiếm nhà cung cấp, thương thảo giá cả, xử lý và quản lý đơn hàng.
Kamereo nhận thức rõ về chất lượng mà các đối tác (nhà hàng) của mình đang hướng tới. Do đó, họ đặt ra mức tiêu chuẩn khá chỉn chu cho thực phẩm họ cung cấp. Trên mỗi sản phẩm đều có logo Kamereo, có thông tin, tên, địa điểm nông trại rõ ràng và các thông tin liên quan. Trong thời kỳ phải chuyển sang mô hình B2C vì dịch và giãn cách, Kamereo vẫn giữ nguyên những tiêu chuẩn “thực phẩm nhà hàng” này, thậm chí chỉ bán cho người tiêu dùng bình thường.
Có thể thấy giải pháp của Kamereo là rất thực tế và đánh trúng những vấn đề mà các cơ sở nhà hàng nhỏ lẻ đang gặp phải.
Không chỉ vậy, hiện nay tại Việt Nam mô hình như Kamereo không nhiều, nếu không nói là không có đối thủ cạnh tranh, dù cho ý tưởng tương tự lại không thiếu. Các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee thời gian vừa qua cũng tổ chức bán nông sản, nhưng vẫn chỉ dừng ở giải pháp tình thế mà chưa phải là mô hình lâu bền. Một giải pháp bền vững, chất lượng cho việc luân chuyển thực phẩm tốt “từ nông trại đến bàn ăn” ở Việt Nam hiện còn vẫn rất thiếu.
Định hướng tốt, đúng nhu cầu, thị trường cần, ít sản phẩm tốt, vậy nên có lẽ không quá khó hiểu khi Kamereo được chú ý và nhận về số tiền đầu tư 4.6 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm