Giải pháp hút khách du lịch Cô Tô mùa thấp điểm

MINH HUỆ 25/08/2022 04:00

Những năm gần đây, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Cô Tô. Tuy nhiên, du lịch Cô Tô còn mang nặng tính mùa vụ, cũng như nhiều địa phương du lịch biển khác tại miền Bắc.

>>>Quảng Ninh: Liên kết vùng để phát triển du lịch

>>>Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững cách nào?

Được mệnh danh là “đảo ngọc” của du lịch Quảng Ninh, Cô Tô có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển như cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều bãi tắm đẹp như Hồng Vàn, Vàn Chảy, bãi biển Tình Yêu… và các hòn đảo lân cận có hình thù kì thú như hòn Sư Tử, hòn Cá Chép. Cô Tô còn sở hữu trữ lượng thủy hải sản dồi dào, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như ốc hương, bào ngư, sá sùng…

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương du lịch biển khác tại miền Bắc, du lịch Cô Tô còn mang nặng tính mùa vụ, dẫn tới nghịch cảnh: Mùa hè thiếu phòng, mùa đông… chờ khách. Nếu như trong mùa cao điểm (thường bắt đầu từ 30/4 - 2/9), khách du lịch đến Cô Tô là khoảng 200.000 lượt người, thì mùa thấp điểm (bắt đầu từ sau 2/9 đến giữa tháng 4 năm sau), số lượng này là rất nhỏ.

Đá tại bãi Móng Rồng _ Cô Tô giống như các lớp vỉa xếp nghiêng (ảnh báo Quảng Ninh)

Đá tại bãi Móng Rồng _ Cô Tô giống như các lớp vỉa xếp nghiêng (ảnh báo Quảng Ninh)

Trước thực trạng này, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tại Cô Tô đã chuẩn bị các chương trình khuyến mãi, đưa ra các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách trong thời gian thấp điểm.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, những năm gần đây, du lịch Cô Tô đã có nhiều nỗ lực nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, sáng tạo ra nhiều tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới mà không chỉ dựa vào tiềm năng tự nhiên sẵn có. Trước tiên, phải kể đến loại hình du lịch cộng đồng phù hợp với khách quốc tế - đối tượng khách luôn thích trải nghiệm và khám phá văn hoá bản địa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cô Tô có trên 300 cơ sở lưu trú du lịch, trong số đó có rất nhiều homestay - hình thức lưu trú tại nhà dân; tiêu biểu là làng homestay thôn Hồng Hải, mở ra tiềm năng lớn về phát triển du lịch gắn với cộng đồng.

Mặt khác, bên cạnh làng chài thôn Hồng Vàn, thôn Nam Đồng, Cô Tô còn có các làng nghề như: làng làm nước mắm thôn Trường Xuân, làng trồng rau, làm nông nghiệp thôn Hải Tiến, thôn Nam Hà (xã Đồng Tiến), là tiền đề thuận lợi để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, tham quan làng nghề, du khảo đồng quê...

Không chỉ vậy, du lịch Cô Tô còn có hệ thống các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ bổ trợ và nhiều điểm tham quan hấp dẫn, là điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện…) vào các dịp cuối năm. Đây cũng là loại hình du lịch có khả năng “hút khách” vào mùa thấp điểm.

Chiều trên bãi biển Tình Yêup/- Cô Tô (ảnh báo Quảng Ninh)

Chiều trên bãi biển Tình Yêu - Cô Tô (ảnh báo Quảng Ninh)

Theo ông Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Cô Tô, năm nay nhiều khách du lịch đến Cô Tô đánh giá môi trường biển tại địa phương được duy trì sạch đẹp, an ninh trật tự, tắm biển an toàn. Bên cạnh đó, giá cả dịch vụ ăn uống, vui chơi hợp lý, không xảy ra tình trạng chặt chém, dịch vụ đa dạng phù hợp với nhiều phân khúc du khách. Những điểm mạnh đó là yếu tố thu hút, giúp Cô Tô vẫn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách.

Theo chủ homestay Coto Center đã có nhiều đoàn khách đặt phòng trong tháng 8, thậm chí cả tháng 9 và 10. Trong mùa thu - đông, công suất đặt phòng của chúng tôi vẫn duy trì ở mức 40-50%.Trong mùa thu - đông, thay vì bán phòng trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh bán phòng trên các kênh OTA (Online Travel Agency) như Agoda, Traveloka, booking.com… và có các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn để thu hút du khách.

Ngoài ra, trong mùa thu - đông, phần lớn khách đặt phòng là du khách quốc tế nên chúng tôi đã mua sắm thêm nhiều xe đạp để khách có thể đạp xe đi dạo, tham quan các ngôi làng và đồng ruộng xung quanh.

Ông Faustine (Du khách Pháp) chia sẻ: Trong hai đêm ở homestay Coto Center, sự hiếu khách của chủ nhà đã làm cho kỳ nghỉ của chúng tôi trở nên đặc biệt và đáng nhớ. Chúng tôi đã có những bữa ăn ngon tuyệt cùng gia đình chủ nhà. Bà chủ đã giới thiệu cho chúng tôi cách chế biến các món hải sản, những vị trí đẹp nhất để tham quan, chụp ảnh cũng như cuộc sống của người dân trên hòn đảo này.

Song song với việc đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram và bán phòng trên các kênh OTA, anh Vũ Thanh Minh - chủ homestay Coto Eco Lodge còn sáng tạo các sản phẩm du lịch mới để “hút khách cả 4 mùa” như mùa thu - đông có tour câu cá; trải nghiệm “sinh tồn trên đảo” với các hoạt động hấp dẫn như hướng dẫn du khách tự đánh bắt hải sản bằng các dụng cụ thô sơ, tự nướng cá, nướng gà bằng củi; trekking xuyên rừng tới các bãi biển.

Ngoài ra Cô Tô còn có tổ chức đón những tour trăng mật dành cho các cặp đôi trong mùa cưới. Dịp cuối năm có sản phẩm “ăn Tết truyền thống cùng ngư dân” với các hoạt động như cùng đi chợ Tết, gói và luộc bánh chưng với người dân. Khoảng từ tháng 1 - tháng 3 hàng năm có tour lặn biển ngắm rong, ngắm cá... Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở có những tour đặc biệt được thiết kế riêng theo yêu cầu của du khách với hướng dẫn viên là người am hiểu về địa phương.

Gia đình ông Hendrik Gerardus Du khách Hà Lan đã đến trải nghiệm tại đảo Cô Tô - ảnh Trang Đào)

Gia đình ông Hendrik Gerardus Du khách Hà Lan đã đến trải nghiệm tại đảo Cô Tô (ảnh Trang Đào)

Bà Rosalind (du khách Anh) cho biết: Tôi lấy chồng người Việt và trở về Việt Nam cùng gia đình và cuối tháng 8. Đây là lần đầu tiên tôi đến Cô Tô. Thời tiết Cô Tô vào mùa thu rất tuyệt vời. Không khí trong lành phù hợp để chạy bộ vào buổi sáng, nước biển vừa đủ ấm áp và không gian rất yên bình. Buổi sáng khi mặt trời lên, ánh bình minh tỏa sáng, mặt biển giống như chiếc gương khổng lồ phản chiếu ánh sáng vào các phiến đá ở bãi Móng Rồng, ánh lên màu sắc đan xen khác nhau thật tuyệt diệu. Xung quanh, những cánh rừng tự nhiên với những bờ dứa dại và ánh chiều thu lung linh đã làm cho cảnh vật nơi đây càng thêm yên ả. Tôi thấy rất tuyệt. 

Theo bà Nguyễn Thu Huyền – Giám đốc Công ty Du lịch Xanh, Cô Tô có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch vào mùa thấp điểm và hoàn toàn có khả năng khắc phục tính mùa vụ trong du lịch biển. Với điều kiện tự nhiên sẵn có và khả năng cung cấp dịch vụ của địa phương hiện nay, Cô Tô nên chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm hướng tới đối tượng thích sự riêng tư, muốn tự mình khám phá, học hỏi...

Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh nói chung và của huyện Cô Tô nói riêng, địa phương cần tăng cường sự phối kết hợp giữa cơ sở cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp lên kế hoạch nghỉ phép cho người lao động nhằm giảm bớt sự quá tải của cầu du lịch nội địa. Đồng thời phối hợp liên ngành tổ chức các sự kiện thu hút khách vào thời vụ thấp điểm; đưa ra chính sách về giá hấp dẫn đối với khách nghỉ vào mùa thấp điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng tìm cách “hút” khách du lịch mùa thấp điểm

    Đà Nẵng tìm cách “hút” khách du lịch mùa thấp điểm

    04:00, 23/08/2022

  • Giải pháp kích cầu du lịch mùa thấp điểm

    Giải pháp kích cầu du lịch mùa thấp điểm

    03:00, 17/08/2022

  • Việt Nam lọt top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới

    Việt Nam lọt top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới

    10:54, 20/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp hút khách du lịch Cô Tô mùa thấp điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO