[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Tiền tệ song hành tài khóa "giải cứu" doanh nghiệp

Diendandoanhnghiep.vn Theo các chuyên gia kinh tế, một mình chính sách tiền tệ không thể giải quyết được những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính sách tài khóa.

f

Các TCTD đang xây dựng gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống

Dịch COVID-19 bùng phát đã làm đảo lộn mọi toan tính cho năm 2020 của các ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu. Thay vì bình thường hóa chính sách tiền tệ để tạo thêm dư địa ứng phó với những cuộc khủng hoảng trong tương lai, nhiều NHTW đã buộc phải quay lại với chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Khởi đầu cho làn sóng nới lỏng tiền tệ là các NHTW ở khu vực Châu Á, nơi mà dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, “cuộc đua về đáy” chỉ thực sự sôi động sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ cắt giảm mạnh 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống còn 1- 1,25% vào ngày 3/3 vừa qua. Theo chân FED, ngay lập tức NHTW Canada đã giảm mạnh 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,25%; NHTW Úc cũng giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0,5%.

Cuộc đua này được dự báo sẽ tiếp tục nóng hơn với dự báo NHTW Anh (BoE) sẽ hạ 50 điểm phần trăm lãi suất cơ bản tại cuộc họp trong tháng này. Ngay cả NHTW Châu Âu (ECB), mặc dù đã giảm lãi suất xuống mức 0%, nhưng có thể vẫn tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thậm chí FED cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 17-18/3 tới...

Là một nền kinh tế mở và phục thuộc nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và cộng đồng doanh nghiệp cũng đang ngóng đợi các biện pháp hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, song phải là những biện pháp hỗ trợ thiết thực.

Cũng bởi sản xuất – xuất khẩu gặp khó nên doanh nghiệp không có doanh thu, thì lấy đâu ra tiền mà trả nợ ngân hàng. Thế nên điều mà doanh nghiệp cần ở các ngân hàng hiện nay là việc khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời trả nợ và tiếp tục cho vay mới với lãi suất hợp lý để giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Tuy nhiên, một mình chính sách tiền tệ xem ra chẳng thể giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp. Bởi dù chính sách tiền tệ có được nới lỏng hơn, lãi suất có giảm xuống thấp hơn cũng không thể giúp doanh nghiệp có được nguyên vật liệu để sản xuất khi mà chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn; không thể mang lại thêm đơn hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang sụt giảm mạnh vì dịch; cũng không thể kéo du khách đến với Việt Nam; không thể khuyến khích người dân chi tiêu…

Chưa kể, khi sản xuất – kinh doanh bị đình trệ, các ngân hàng chắc chắn sẽ phải thận trọng hơn với việc cho vay vì lo ngại nợ xấu tăng cao, lo mất vốn của người gửi tiền. Thậm chí ngay cả khi ngân hàng có mời chào vay vốn với lãi suất thấp bao nhiêu đi nữa, doanh nghiệp chắc cũng “lắc đầu từ chối” vì không biết vay để làm gì.

Nói như vậy để thấy, muốn tháo gỡ những khó khăn hiện nay cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành có liên quan với các giải pháp tổng thể, đặc biệt là sự tham gia của chính sách tài khóa, chứ không thể chỉ trông vào tiền tệ.

Thấu hiểu điều đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg để ứng phó dịch COVID-19 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm cả các giải pháp tiền tệ và tài khóa.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các TCTD cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thông tin thêm về các gói hỗ trợ tín dụng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, các TCTD đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống - cao hơn so với con số 250.000 tỷ đồng được đề cập. Việc hỗ trợ này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách. Theo đó, sẽ có hơn 10 ngân hàng tham gia chương trình này, bao gồm 04 NHTMCP Nhà nước. Mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các TCTD sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Thế nhưng, tất cả các giải pháp này chỉ mang tính tình thế, hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là dịch bệnh sớm được khống chế trên bình diện toàn cầu, chỉ có như vậy thì các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại bình thường được.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Tiền tệ song hành tài khóa "giải cứu" doanh nghiệp tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713436205 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713436205 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10