Trong làn sóng sa thải nhân sự hàng loạt của các công ty công nghệ toàn cầu, vẫn có một kẻ khác biệt, đó chính là “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ Đông Nam Á, Grab.
>>>Làn sóng sa thải tấn công lĩnh vực công nghệ của Bắc Mỹ
Làn sóng sa thải khắc nghiệt
Trong nhiều tháng, các công ty công nghệ hàng đầu đã tuyên bố sa thải hết đợt này đến đợt khác khi các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và lo ngại về suy thoái gia tăng.
Làn sóng sa thải trong các công ty công nghệ đã lan rộng từ Bắc Mỹ sang đến khu vực châu Âu và gần đây là châu Á. Tại Trung Quốc, các tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent cũng đã cắt giảm hàng nghìn lao động. Tính đến cuối tháng 9, hơn 41.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ đã bị sa thải, theo một dữ liệu do Crunchbase tổng hợp.
Cuối tháng 8, Snap cho biết họ sẽ sa thải 20% nhân viên sau khi công ty báo cáo thu nhập đáng thất vọng trong quý 2. Các công ty lớn khác, bao gồm Netflix, Microsoft và Shopify cũng đã sa thải hàng trăm nhân viên trong năm nay. Trong khi hai “ông lớn” là Google và Apple cũng đã quyết định đóng băng hoặc giảm tốc độ tuyển dụng.
Shopee, sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, tuần trước vừa tuyên bố giảm 3% nhân sự tại Indonesia và rút hoàn toàn khỏi 4 thị trường nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động. Mới nhất, họ tiếp tục cắt giảm quy mô đội ngũ nhân sự của mình ở Đài Loan và Philippines như là một trong những nỗ lực nhằm tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi phí trên toàn cầu, theo Tech in Asia.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Propzy, công ty khởi nghiệp về công nghệ bất động sản sau một thời gian cắt giảm 50% nhân sự, cũng vừa thông báo chấm dứt hoạt động tại Việt Nam. Việc một startup từng gọi vốn lên đến hàng chục triệu USD như Propzy đau đớn đóng cửa có lẽ là hệ quả dễ thấy của một làn sóng “thắt lưng buộc bụng” đang diễn ra trong giới công nghệ trên toàn cầu.
Có vẻ như các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã trở nên cảnh giác về khả năng suy thoái của thị trường lao động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất để hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng và kiểm soát lạm phát. Theo lý thuyết, khi mọi người chi tiêu ít hơn cho hàng hóa và dịch vụ, giá cả sẽ giảm xuống. Nhưng, điều đó lại đang có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế, vì các doanh nghiệp có thể giảm tốc độ tuyển dụng hoặc sa thải công nhân do nhu cầu giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có một kẻ khác biệt, đó chính là “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ Đông Nam Á, Grab.
>>>Grab mất ngôi đầu, thua GoTo 13 tỷ đô vốn hóa
>>>Grab hi sinh khách hàng
Grab ngược dòng…
Trên thực tế, Grab, công ty đặt xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, không nghĩ đến việc phải thực hiện việc sa thải hàng loạt như một số đối thủ đã làm. Đáng chú ý hơn, họ còn đang tuyển dụng có chọn lọc cho các vai trò trong khoa học dữ liệu, công nghệ bản đồ và các lĩnh vực chuyên môn khác.
Giám đốc điều hành Alex Hungate cho biết, vào đầu năm nay Grab cũng đã lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu và “rất cẩn thận và thận trọng về bất kỳ việc tuyển dụng nào”, và kết quả là họ đã không rơi vào tình trạng “tuyệt vọng” về việc tuyển dụng đến mức đóng băng hoặc sa thải hàng loạt trong thời điểm hiện tại.
“Khoảng giữa năm, chúng tôi đã thực hiện một số loại tái tổ chức cụ thể, tôi biết các công ty khác đã tiến hành sa thải hàng loạt, nhưng chúng tôi không thấy mình trong danh mục đó”, Giám đốc điều hành Grab chia sẻ với hãng thông tấn Reuters.
Grab có khoảng 8.800 nhân viên vào cuối năm 2021. Giống như các đối thủ của mình, Grab đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ dịch vụ ăn uống trong đại dịch COVID-19, trong khi dịch vụ gọi xe bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế mở cửa, nhu cầu giao đồ ăn đang giảm dần trong khi dịch vụ đi xe vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Nhưng, có vẻ như Giám đốc điều hành của Grab khá tự tin công ty sẽ vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện tại khi tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ tài chính, hậu cần và thực phẩm, nhằm đẩy lùi các ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp và chạy đua để có lãi.
Vào tháng trước, Grab cho biết họ đã đóng cửa hàng chục cái gọi là cửa hàng tối (Dark Store), những trung tâm phân phối hàng tạp hóa theo yêu cầu và làm chậm quá trình triển khai các cơ sở giao hàng tập trung “nhà bếp đám mây”. Bên cạnh đó, Grab tập trung vào các lĩnh vực mang tính chất chiến lược như dịch vụ tài chính, nơi họ đang phát triển thanh toán, ví và cho vay tài chính phi ngân hàng khá đáng kể ngoài nền tảng và trên nền tảng của Grab.
Grab đã tổ chức lại đơn vị fintech của mình trong năm nay để tập trung vào các lĩnh vực sinh lợi hơn. Họ hiện chủ yếu tập trung vào việc bán các sản phẩm cho vay và bảo hiểm trên nền tảng của mình cho các thương gia và tài xế, những người thường trả nợ từ các dòng thu nhập của họ trên nền tảng.
Chính những sự thay đổi này đã khiến cơ cấu kinh doanh của Grab sẽ hướng tới tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Công ty hiện đang hoạt động tại 480 thành phố ở tám quốc gia, có hơn năm triệu tài xế đã đăng ký và hơn hai triệu người bán trên nền tảng của mình.
Có vẻ như Grab đang “ngược dòng” với hầu hết các công ty công nghệ trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” nhằm cắt giảm chi phí, tái cấu trúc nhân sự. Họ đang đặt cược vào việc phát triển các dịch vụ tài chính tại các thị trường trọng điểm. Và đây chính là “thời điểm tốt để công ty xem xét lại cách tiêu tiền”, giống như lời CEO Alex Hungate đã cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp dán thông báo sa thải người lao động với hình ảnh nhạy cảm
15:02, 27/09/2022
Đằng sau việc sa thải hàng loạt nhân sự của công ty công nghệ?
04:00, 22/06/2022
Làn sóng sa thải tấn công lĩnh vực công nghệ của Bắc Mỹ
02:18, 21/06/2022
Startup Việt được SoftBank đầu tư sa thải 50% nhân sự
04:37, 10/06/2022